19/01/2025 | 10:16 GMT+7, Hà Nội

Nhìn lại một năm thành công của kinh tế cả nước và Hà Nội

Cập nhật lúc: 30/12/2018, 07:52

Kết thúc một năm của kinh tế nước nhà với rất nhiều kết quả vui, ấn tượng hơn cả là công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy thu hút đầu tư nước ngoài năm 2018 ước đạt tới 35,46 tỷ USD. Góp phần cùng kinh tế cả nước, Hà Nội cũng khép lại một năm thành công khi chắc chân với ngôi vị đầu tàu kinh tế.

Một kết cục ấn tượng

Lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, vốn FDI giải ngân đạt tới 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm ngoái. 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ đề ra đều đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng GDP được dự báo sẽ cán ngưỡng 7% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, đánh dấu sự trở lại của mức tăng trưởng 7% kể từ sau tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã không đạt được. Tăng trưởng kinh tế cao nhưng quan trọng không kém ở chỗ kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%.

Năm 2018 cũng là năm ghi nhận nhiều kỷ lục mới về kim ngạch xuất nhập khẩu, đặc biệt là về xuất siêu, về số DN thành lập mới, kỷ lục về dự trữ ngoại hối, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Nhưng ấn tượng hơn cả là công bố của Cục Đầu tư nước ngoài khi nhấn mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2018 của Việt Nam ước đạt 35,46 tỷ USD, bao gồm cả vốn cấp mới, tăng thêm và đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài…

Hà Nội luôn xứng đáng với vị trí đầu tàu kinh tế

Với Hà Nội, năm 2018 được ghi nhận là năm thành công của kinh tế Thủ đô, thể hiện rõ vài trò lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp; sự nỗ lực của cộng đồng DN và người dân. 20 chỉ tiêu phát triển TP Hà Nội đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, thu ngân sách vượt dự toán, tám chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội năm 2018 đạt khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. GRDP tăng 8,56% và duy trì năm sau tăng cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 8,20%; năm 2017 tăng 8,48%); bình quân ba năm 2016-2018 tăng 8,41%, cao hơn mức 7,3% của giai đoạn 2011-2015.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 4.080 USD/người, gấp 1,12 lần năm 2015. Khách du lịch quốc tế đạt 5,74 triệu lượt, tăng 16%, về đích trước hai năm so với mục tiêu đặt ra. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất được khuyến khích phát triển. An sinh xã hội được bảo đảm, tích cực hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo và hoàn thành trước hai năm mục tiêu giảm nghèo.

Chín tháng đầu năm 2018, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,7%, đóng góp 1,24 điểm % vào tốc độ tăng chung. Cả năm 2018, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 119.734 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2017. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có chín khu công nghiệp đang hoạt động, tổng diện tích 1.310 ha, trong đó tám khu công nghiệp cơ bản lấp đầy diện tích; 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải. Năm khu công nghiệp đang chuẩn bị đầu tư xây dựng, tổng diện tích 817 ha. Lũy kế đến tháng 8-2018 có 640 dự án đầu tư tại các khu công nghiệp. Trong đó có 327 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 5,4 tỷ USD, 313 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 14.700 tỷ đồng. Tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp là 148.120 người.

nhin lai mot nam thanh cong cua kinh te ca nuoc va ha noi
Tăng trưởng tốt về kinh tế, có môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh lành mạnh… cho thấy Hà Nội xứng đáng với vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: Zing.vn

Đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm hội nhập

Tổng thu ngân sách Nhà nước của Hà Nội thực hiện được 238.793 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2018 là 87.348 tỷ đồng, đạt 91,7% dự toán. Hà Nội cũng tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc tái cơ cấu các khoản chi theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triền, tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm xuống mức 50,8% (giảm 2,3% so với năm 2017).

Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư xã hội đã tăng lên 10,6% (kế hoạch 10,5%-11%) ước thực hiện 340,8 nghìn tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm hội nhập. Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn cũng phát triển ổn định, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 14,233 tỷ USD, tăng 21, 6% (KH là 7,5-8%) vượt khá xa so với tốc độ tăng nhập khẩu (8,2%) và năm trước (2017 là 9,6%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước tăng 4,15% - 4,30% (năm 2017 là 9,6%).

Tăng trưởng cao nhất là ngành dịch vụ, đạt 7,23%. Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 8.23%, ngành nông – lâm – thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị gia tăng vẫn duy trì ở mức khá, đạt 3,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,03%.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Hà Nội tiếp tục giữ vững nhịp độ phát triển. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng đầu năm tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11,2% so cùng kỳ năm 2017. Ước cả năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 508.918 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2017.

Theo Sở Công thương Hà Nội, năm 2019, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển DN. Tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng và quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực. TP đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư gắn với tái cơ cấu các ngành kinh tế. Phát triển DN, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể̉ chuyển thành DN...

Trong lĩnh vực thương mại, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng trên địa bàn. Cụ thể, sẽ tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư vào 12 dự án lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn trong danh mục giới thiệu, kêu gọi đầu tư của TP. Hỗ trợ DN trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, tạo điều kiện mở rộng điểm bán hàng, hệ thống phân phối hàng hóa phục vụ nhân dân theo hướng hiện đại hóa, bảo đảm các yếu tố văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ vào hoạt động thương mại - dịch vụ...

Gia Bảo