19/01/2025 | 07:05 GMT+7, Hà Nội

Nhiều mặt hàng xuất khẩu phải cẩn trọng hơn với thuế tự vệ từ đối tác

Cập nhật lúc: 22/04/2019, 21:00

Bên cạnh những cơ hội tốt, xuất khẩu Việt Nam cũng được cảnh báo cần thận trọng, vì lo ngại về thay đổi chính sách kinh tế khi các quốc gia khác áp dụng thêm thuế tự vệ.

Nhóm hàng da giày tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết. (Ảnh TL)

Nhóm hàng da giày tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận, những diễn biến mới nhất từ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như các Hiệp định FTA có hiệu lực là yếu tố tiềm năng giúp tăng đơn đặt hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Khánh cũng cần phải thận trọng.

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp năm 2018 đạt 201,7 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2017 và chiếm 82,8% tỉ trọng xuất khẩu cả nước. Trong đó, có 22 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao trên 1 tỷ USD tăng trưởng mạnh góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp.

Theo đó, năm 2018, nhóm hàng dệt may đạt mức tăng trưởng trên hai con số, đạt 30,5 tỷ USD, tăng 16,7%. Nhóm hàng này có mức tăng trưởng cao tại các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ (tăng 11,6%), Nhật Bản (tăng 22,6%), Hàn Quốc (24,9%), Trung Quốc (tăng 39,6%), EU (9,9%).

Nhóm hàng da giày tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết. Sở dĩ nhóm hàng này được đánh giá còn nhiều dư địa bởi hiện tại Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu giày dép đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc).

Nói về vấn đề trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, ngành da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 21,5 tỷ USD trong năm 2019, chỉ số sản xuất tăng trên 10% so với năm 2018. Bởi, năm 2019, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tốt. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, da giày để tập trung sản xuất công nghệ cao.

Do đó, các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, chờ cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, bắt đầu tác động đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm 2018 - 2019 để tránh tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đón đầu các FTA có hiệu lực trong năm 2019. Do đó, xuất khẩu da giày năm 2019 sẽ tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối FDI tăng.