22/11/2024 | 20:08 GMT+7, Hà Nội

Nhiều hệ lụy khi doanh nghiệp tự chi trả đền bù cho dân

Cập nhật lúc: 09/11/2020, 16:05

Tại TX. Điện Bàn (Quảng Nam) có hàng loạt dự án đầu tư khu đô thị mà ở đó, các chủ đầu tư nôn nóng, tự ý thương lượng, thỏa thuận đền bù với người dân khi chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt.

Qua kiểm tra gần 20 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn, Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Điện Bàn đã thống kê từng dự án và chỉ ra hàng loạt bất cập, hệ lụy khi doanh nghiệp thương lượng, tự bồi thường cho người dân nằm trong vùng dự án bị thu hồi đất nông nghiệp hay di dời, giải tỏa nhà ở, vật kiến trúc…

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Điện Bàn, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư, vì nhiều lý do, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm tra, xét nguồn gốc để thu hồi đất, đặc biệt trong giai đoạn Ban quản lý Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc giải thể và chuyển giao nhiệm vụ cho UBND TX. Điện Bàn, các dự án rất khó khăn trong công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Một dự án đầu tư khu đô thị ở xã Điện Thắng Trung vẫn chưa thể trình phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đối với 94 hộ dân ảnh hưởng mồ mả và đất nông nghiệp. Tương tự là các dự án của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Điện Bàn, Công ty CP Smart, Công ty TNHH Phát triển Đô thị Singapore, Công ty CP Bách Đạt An, Công ty Đầu tư Kinh doanh nhà Phú Gia Thịnh, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam… 

Người dân ở nhiều dự án đầu tư đô thị chưa chịu bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư. (Ảnh: Hữu Trà)

Lý do được đưa ra là do chủ đầu tư nôn nóng có mặt bằng để thi công hạ tầng đô thị cho kịp tiến độ, nên đã chi ứng tiền bồi thường hỗ trợ trước khi cơ quan chức năng lập và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ.

Cũng có trường hợp chủ đầu tư dự án khu đô thị đã tự ý ứng tiền chi trả cho người dân bị ảnh hưởng khi chưa hoàn thiện việc xét nguồn gốc đất do vướng việc quy chủ sử dụng, tranh chấp đất đai, chế độ chính sách… Thậm chí, doanh nghiệp đã tiến hành chi trả bồi thường hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng khi cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.

Chính việc làm theo kiểu "cầm đèn chạy trước ô tô" này của các chủ đầu tư đã làm gia tăng việc so bì về sự chênh lệch giữa các khoản chi trả bồi thường theo quy định của Nhà nước và các khoản tiền hỗ trợ do chủ đầu tư chi trả, dẫn đến nhiều hộ dân cố tình chây ì, không chấp hành chủ trương bàn giao mặt bằng.

Có dự án được giao 3,8ha với 68 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đơn vị được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng chỉ mới trình thẩm định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp cho 51 trường hợp. Số còn lại vẫn chưa thể trình phương án bồi thường hỗ trợ do một số trường hợp đất sản xuất thực tế thiếu so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp… Dù vậy, chủ đầu tư vẫn “nhanh nhạy” ứng tiền chi trả cho người dân và tổ chức thi công khiến hiện trạng không còn, gây khó khăn cho việc lập và trình phương án bồi thường hỗ trợ theo quy định.

Việc doanh nghiệp nôn nóng thi công hạ tầng khi chưa có phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư gây nhiều hệ lụy cho công tác giải phóng mặt bằng

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Điện Bàn, “các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công, gây trở ngại cho công tác trình, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ do không còn hiện trạng; nguyên tắc thẩm định là phải kiểm tra thực tế ít nhất 10% tổng phương án trình duyệt”.

Sau nhiều năm đầu tư, nhiều khu đô thị ở Điện Bàn vẫn chưa giải quyết xong việc di dời, giải tỏa, bố trí tái định cư

Ngoài vướng mắc về lập, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ của gần 20 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng ở TX. Điện Bàn, Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trên địa bàn thị xã hiện nay rất khó khăn và phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định tại nơi có dự án.

“Nếu không bám sát quy định của pháp luật và các văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam thì việc mất cán bộ xảy ra là rất lớn. Nổi cộm là về giá đất đền bù trong cùng một dự án không đồng nhất do dự án kéo dài qua nhiều năm và việc xác định nguồn gốc đất chưa chặt chẽ, còn chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác này. Ngoài ra, một số dự án kéo dài từ 7 - 15 năm vẫn chưa giải quyết xong các tồn tại vướng mắc liên quan đến việc bố trí tái định cư, bổ sung nhà cửa, vật kiến trúc… gây mất lòng tin trong nhân dân”, ông Nguyễn Thanh Vỹ, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Điện Bàn chia sẻ.

Đất sốt ảo, khổ chính quyền

Hàng loạt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng tại TX. Điện Bàn (Quảng Nam) có nguy cơ “đứng bánh” vì người dân không nhận tiền đền bù hỗ trợ.

Theo UBND TX. Điện Bàn, có hàng chục dự án đầu tư hạ tầng đô thị, khách sạn ven biển, kể cả dự án đầu tư công tại các phường: Điện Ngọc, Điện Dương và 3 phường Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông…, đều vướng công tác giải phóng mặt bằng với cả trăm hộ dân nằm trong vùng dự án bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất nông nghiệp, thuộc diện di dời, giải tỏa nhưng chưa chịu bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Nguyên nhân là do người dân cho rằng giá đền bù của Nhà nước quá thấp so với giá thị trường. Đặc biệt gần đây, giá đất bán mua tại các dự án được đẩy lên quá cao làm cho người dân phát sinh tâm lý so bì. Một hộ dân ở phường Điện Ngọc cho biết, giá đất nông nghiệp Nhà nước áp đền bù chỉ có 100.000 - 150.000 đồng/m2, sau đó doanh nghiệp san ủi làm hạ tầng bán lại từ 10 - 15 triệu đồng/m2.

“Hiện tại, mức giá đền bù về đất ở do Nhà nước áp giá chênh lệch nhiều lần so với giá đất ngoài thị trường, nên người dân không đồng ý”, ông Trần Úc, Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn nói và cho rằng do giá đất tăng ảo, đẩy lên quá cao dẫn đến nhiều hệ lụy trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, làm chậm tiến độ các dự án đầu tư, lãng phí nguồn lực, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự…

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận: “Trước đó, khi triển khai các dự án đều tổ chức lấy ý kiến người dân và người dân cũng đã đồng thuận. Đến khi tiến hành chi trả đền bù, gặp đúng thời điểm giá đất tăng cao, người dân không còn mặn mà bàn giao mặt bằng”.

Giá đất ngoài thị trường tăng cao, một số ít người nào đó được hưởng lợi trong ngắn hạn. Nhưng về tổng thể, việc giá đất bị đẩy lên cao khiến một bộ phận không nhỏ người dân nằm trong vùng dự án trông chờ Nhà nước tăng giá đền bù khi thu hồi đất, gây khó khăn cho công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư sau này.