19/01/2025 | 10:23 GMT+7, Hà Nội

Tương lai nào cho đất nền, căn hộ sau mùa dịch bệnh?

Cập nhật lúc: 17/08/2020, 06:00

Dù thị trường bất động sản đang lao đao vì dịch bệnh nhưng phân khúc đất nền và căn hộ vẫn có những kỳ vọng trong tương lai.

Thị trường bất động sản hạ nhiệt

Đầu năm 2020, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 càn quét, thị trường bất động sản cũng vì thế mà dần hạ nhiệt.

Theo Công ty môi giới và tiếp thị bất động sản (BĐS) Việt Nam DKRA, 7 tháng đầu năm 2020, hầu hết các phân khúc đều phải chịu thiệt hại, trong đó thiệt hại nặng nhất là mảng BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

Những phân khúc khác như đất nền và căn hộ cũng bị tác động không kém. Không giống như năm 2019, đất nền khu vực Đông Anh, Đà Nẵng sôi sục, nửa đầu năm 2020, đất nền các khu vực đều lặng sóng. Ở phía Bắc, những lô đất nền có vị trí đẹp, giá vừa phải từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đầu tư dài hạn vẫn được quan tâm nhiều và có giao dịch. Còn tại phía Nam có phần sôi động hơn một chút nhưng vẫn ảm đạm.

Trên nhiều tuyến phố xuất hiện khá phổ biến biển rao bán, cho thuê nhà mặt tiền. Ảnh: Trọng Tín

Đối với nhà đất mặt phố ảnh hưởng nặng nhất, cung thì có nhưng cầu lại vô cùng hẻo. Nguyên nhân có thể người dân thắt chặt chi tiêu trong dịch bệnh. Giá bán lại các khu vực tăng giảm nhưng không đồng nhất. Giá bán tăng tại hầu hết các quận, tiêu biểu như quận Cầu Giấy (tăng 3% so với quý 1), quận Hai Bà Trưng, Hà Đông (tăng 2%). Tại Hà Nội, Hàng Ngang, Hàng Đào nằm trong khu phố cổ Hà Nội được mệnh danh là khu phố có giá đất đắt ngang ngửa Tokyo, Paris, New York với giá lên đến cả 1 tỷ đồng/m2 nhưng rất khan hiếm căn bán ra. Thậm chí nhiều mặt bằng “vàng” ở những khu vực trung tâm TP HCM liên tục treo biển cho thuê, hoặc rao bán nhiều tháng, nhưng không tìm được khách.

Không chỉ nhà mặt phố, nhà trong ngõ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Những năm trước đây, phân khúc đất nền, đất thổ cư thường ít có xu hướng giảm, mỗi năm lại tăng khoảng 10 - 15%. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường ảm đạm, ít giao dịch, hiện giá ngang bằng cuối năm 2019 và không có người mua. Nhiều chủ nhà bị áp lực tài chính, muốn bán nhanh đã phải chấp nhận cắt lỗ khoảng 10%.

Qua đợt dịch bệnh thứ nhất giá nhà đất có phần chững lại. Tuy nhiên, ở quý 2, khi Việt Nam tuyên bố hết dịch thì thị trường có biến động tích cực hơn với sự khôi phục lượng chào bán trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Đây là điều đáng mừng vì so với các tài sản khác như vàng, chứng khoán đều biến động mạnh trong thời gian dịch bệnh thì bất động sản có xu hướng ổn định hơn.

Phân khúc nhà phố và biệt thự: Nguồn cung mới giảm nhẹ. Ảnh: Dân Trí.

Số dự án tại Hà Nội đã mở bán các đợt kế tiếp với giá tăng khoảng 5% so với đợt mở bán trước và chủ yếu tăng ở phân khúc trung cấp. Thị trường TP HCM cũng ghi nhận sự tăng giá ở những dự án mới mở bán so với các dự án trước đó.

Báo cáo thị trường bất động sản quý 2 của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, giá bán chung cư tại Hà Nội và TP HCM khá ổn định, dù mức tăng chỉ khoảng 1%. Giá bán chung cư bình dân trung bình ở Hà Nội là 24,8 triệu/m2, còn ở TP HCM là 31,8 triệu/m2.

Dự đoán sau dịch bệnh

Chuyên gia Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam trả lời trong một hội thảo, còn quá sớm để đánh giá hết tác động của đợt dịch bùng phát lần thứ 2. Tuy nhiên, ông vẫn nhận định sự bùng phát trở lại đã trở thành cú đấm mạnh vào thị trường BĐS, thậm chí còn nặng hơn đợt dịch thứ nhất.

Các chuyên gia BĐS nhận định, thị trường BĐS sẽ trầm lắng cho đến hết năm 2020. Kỳ vọng năm 2021 trở đi sẽ phát triển bởi vì Việt Nam vẫn là thị trường chiếm lợi thế thu hút những nhà đầu tư ngoại. Việt Nam với dân số trẻ ở độ tuổi 25 - 40 chiếm 50% do đó nhu cầu về nhà ở rất lớn, đô thị hóa mạnh mẽ cũng là yếu tố thu hút các nhà đầu tư.

Với tình hình dịch bệnh quay lại như hiện nay, dù cho Chính phủ đã làm hết sức để khống chế dịch bệnh và đang khống chế rất tốt nhưng vẫn sẽ ngày càng nhiều sản phẩm giá rẻ, cắt lỗ sẽ được bán ra thị trường. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế sẽ gây ra khó khăn chung, chính vì vậy những người bị áp lực về tài chính sẽ phải chọn bán bớt tài sản, thì việc cắt lỗ là đương nhiên. Đây là cơ hội tốt cho những người có tiền bắt đáy, mua được tài sản giá rẻ chờ tăng giá sau dịch.

Thị trường căn hộ, đất nền thì vẫn được đánh giá có khả năng hồi phục.

Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, xét về tổng thể, thị trường bất động sản tuy chịu tác động của dịch bệnh nhưng chỉ có một số ngành nghề và phân khúc như bất động sản 5 sao, bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nhất định do phụ thuộc vào nguồn khách du lịch nước ngoài. Còn ở thị trường căn hộ, đất nền thì vẫn được đánh giá có khả năng hồi phục nhanh hơn.

Hơn nữa, thị trường BĐS vẫn còn cơ hội khi Chính phủ đang thực hiện nhiều chính sách, tiêu biểu như giải quyết những vướng mắc tồn đọng trong các dự án từ năm 2019 trở về trước; xu hướng hồi hương tránh dịch Covid-19 của kiều bào. Dù thời điểm này vẫn đang khó khăn nhưng đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính và kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội lớn.

Tại một số thị trường lớn như TP HCM, UBND đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ cho 63 dự án BĐS, cùng một loạt các chính sách, chỉ thị ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, như gói tín dụng 250.000 tỷ đồng (tương đương 10,6 tỷ USD), hay các quyết nghị liên quan đến việc yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư… Những chính sách này sẽ là sự hỗ trợ, đòn bẩy lớn cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực BĐS.