22/11/2024 | 15:19 GMT+7, Hà Nội

Nhiều doanh nghiệp có cơ hội \"tái sinh\" từ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

Cập nhật lúc: 18/02/2022, 13:03

Gói hỗ trợ hồi phục sản xuất hiện nay là vô cùng cần thiết và cấp bách. Đây là sẽ nguồn tiền lớn giúp các ngành, doanh nghiệp tái sinh sau một thời gian “chết lâm sàng” vì dịch.

Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội với gói 350.000 tỷ đồng sau khi được Quốc hội thông qua. Với quy mô tương đương với khoảng 15 tỷ USD, đây được xem là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, trong số 350.000 tỷ đồng trên có 114.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng. Nhiều người cho rằng, việc phát triển hạ tầng sẽ giúp cho ngành bất động sản sôi động trở lại sau 2 năm trầm lắng vì dịch Covid-19.

Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Kinh tế Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Doanh nghiệp sẽ "tái sinh" sau thời gian “chết lâm sàng” vì dịch

- Thưa Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng để phục hồi kinh tế sau dịch mà Chính phủ trình. Rất nhiều luồng ý kiến xoay quanh gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Là một tiến sĩ kinh tế, ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân trong 2 năm 2022-2023. Đây có phải là thời điểm hợp lý?

- 2 năm liên tiếp với 4 làn sóng dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng trầm trọng. Còn đối với các doanh nghiệp, theo Tổng Cục thống kê, tính trong 11 tháng của năm 2021 có đến hơn 106.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Con số này nói lên sự khắc nghiệt của dịch bệnh. Đó còn chưa kể đến các doanh nghiệp sống dở, chết dở, sống lay lắt hoặc đang đứng trên bờ vực phá sản.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời điểm dịch như giảm lãi suất, gỡ nút thắt về thủ tục hành chính… nhưng không ít công ty chưa thể gượng dậy được.

Tiến sĩ Kinh tế Trần Khắc Tâm.
Tiến sĩ Kinh tế Trần Khắc Tâm. 

Tôi cho rằng, gói hỗ trợ hồi phục sản xuất hiện nay là vô cùng cần thiết và cấp bách. Đây là sẽ nguồn tiền lớn giúp các ngành, doanh nghiệp tái sinh sau một thời gian “chết lâm sàng” vì dịch. Gói 350.000 tỷ đồng này cần phải được giải ngân sớm nhất có thể.

- Nhiều chuyên gia đánh giá, gói hỗ trợ này sẽ là động lực để phát triển kinh tế trong những năm tới. Ông có đồng quan điểm này không? ­

-Đúng vậy. Tôi được biết, gói phục hồi kinh tế này được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, nếu làm tốt có thể sẽ có tác động lớn trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bởi khi nền kinh tế được phục hồi, doanh nghiệp được “tái sinh” thì việc bứt tốc sẽ thực hiện dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn. Khi mọi thứ đã trở lại bình thường, “con tàu kinh tế” của chúng ta sẽ có động lực lớn để vươn ra biển lớn. Điều đáng tự hào là kinh tế Việt Nam trong 2 năm qua mặc dù Covid-19 phức tạp, có ảnh hưởng nhưng với sự điều hành linh hoạt, sát sao của Chính phủ vẫn giữ được ổn định.

Gói phục hồi này còn dành ngân sách để phục vụ an sinh xã hội. Đây là điều rất cần thiết sau khi người dân đang tỏ ra “kiệt sức” vì những năm tháng đồng hành cùng Chính phủ chống dịch.

- Từng là ĐBQH và có nhiều ý kiến đóng góp về xây dựng kinh tế, bằng kinh nghiệm của mình ông có góp ý gì để gói phục hồi kinh tế phát huy hiệu quả nhất trong thời điểm hiện nay?

-Theo tôi, hiện nay Chính phủ đã ra những quyết sách vô cùng hợp lý để phục hồi nền kinh tế. Chúng ta đã cho học sinh đi học trở lại; Mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3; Nối lại các chuyến bay quốc tế… Chúng ta đã xác định sống chung với dịch để phát triển kinh tế khi chiến dịch vaccine đã được phủ trên toàn quốc.

Về gói phục hồi kinh tế, mục tiêu đã quá rõ ràng nhưng phải xem lại việc thực hiện ra sao để giải ngân hết số tiền này. Thực tế có tình trạng “có tiền mà không tiêu được” khi các cấp ngành loay hoay không biết giải ngân như thế nào. Tôi cho rằng, cần phân bổ vào những dự án trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư lan man và tránh cơ chế “xin-cho”. Để làm được điều này cần phải có một kế hoạch cụ thể, chi tiết.

Bên cạnh đó, trước đây và cả hiện nay có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Tức là Chính phủ rất sốt sắng trong mọi việc nhưng khi xuống đến các cấp chính quyền thì lại trở nên nguội lạnh. Vì thế, khi phân bổ tiền cho địa phương, dự án nào thì gắn luôn trách nhiệm người đứng đầu dự án đó, yêu cầu báo cáo thường xuyên tiến độ. Nếu để chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan, người đứng đầu phải bị xử lý trách nhiệm.

Tôi lấy ví dụ như gói cứu trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng vào năm 2013. Các cơ quan chức năng rất chật vật trong việc giải ngân tiền. Ý nghĩa của gói này là rất tốt nhưng cách triển khai có vấn đề dẫn đến người dân khó tiếp cận.

Chữa bệnh "sốt đất ảo" bằng "thuốc" gì?

- Nhiều người cho rằng, gói phục hồi kinh tế này sẽ dẫn đến các cơn sốt bất động sản, trong đó có cả sốt ảo. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Dưới góc nhìn 1 tiến sĩ kinh tế, ông có thể đưa ra nhận định bong bóng bất động sản, sốt đất ảo trong thời gian qua  nguyên nhân từ đâu và làm sao để kiểm soát được?

-­Trong số 350.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có đến 1/3 để phát triển kết cấu hạ tầng. Đây là quyết sách vô cùng đúng đắn. Giao thông chính là mạch máu của nền kinh tế. Việc giao thương trong nội tỉnh, tỉnh này với tỉnh khác, khu vực này với khu vực khác rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Chính vì vậy, phá triển hạ tầng, giao thông đồng nghĩa với việc thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, trong đó có ngành bất động sản. Năm 2022 sẽ là năm mà ngành bất động sản sôi động trên cả nước.

Gói 350.000 tỷ đồng sẽ là động lực để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch. Ảnh internet.
Gói 350.000 tỷ đồng sẽ là động lực để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch. Ảnh internet. 

Lâu nay, bất động sản thường chạy theo những dự án hạ tầng. Chúng ta có thể hiểu nôm na là hạ tầng, đường chạy đến đâu thì bất động sản có sự ảnh hưởng đến đó. Chỉ một con đường chạy qua, giá đất sẽ tăng gấp 2-3, thậm chí là cả chục lần.

Trong thời gian qua, thực tế cho thấy, cơn “sốt đất” xảy ra trên địa bàn cả nước, trong đó có tình trạng sốt đất ảo. Bộ Xây dựng cũng đã thừa nhận vấn đề này và có nhiều biện pháp để xử lý.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến “sốt đất”. Thứ nhất, nhiều người coi đầu tư vào bất động sản là an toàn và sinh lời tốt. Họ quan niệm rằng ô tô, xe máy, vàng bạc có thể sản xuất ra chứ đất thì ngày càng ít đi. Vì thế, mua đất chỉ có lãi ít hay lãi nhiều chứ không có cửa lỗ.

Thứ hai sốt đất do chiêu trò của các “cò”. Để đẩy giá đất lên, các “cò” phao tin đồn khu đất này nhiều người tìm kiếm, sắp có dự án… Điều này dẫn đến các nhà đầu tư khác đổ xô vào mua vì sợ hết hàng.

Thứ 3 là việc lập quy hoạch, công bố quy hoạch của một số tỉnh thành chưa công khai để định hướng thông tin cho người dân. Lợi dụng điều này, giới kinh doanh bất động sản tha hồ tung tin để thổi giá, trục lợi.

Về việc làm sao để ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo”, tôi cho rằng, đầu tiên UBND các tỉnh cần phải công khai quy hoạch về đất đai cụ thể, chi tiết nhất. Khi người dân tiếp cận được bản quy hoạch đó sẽ biết được ở đâu cơ dự án, ở đâu không có. Giá đất khi đó sẽ không bị thổi lên nữa. Tiếp theo, khi phát hiện tình trạng tăng giá đất bất thường, chính quyền địa phương cần vào cuộc ngay để cảnh báo.

Hiện nay cũng đã có quy định xử lý hành vi tung tin đồn để thổi giá đất rồi. Chế tài cũng khá mạnh. Vì thế, các địa phương cần phải áp dụng để răn đe đội ngũ môi giới, cò mồi.

Tại Sóc Trăng, trong năm 2021 cũng xảy ra tình trạng nhà đầu tư về mua đất nhiều bất thường, khiến giá đất tăng chóng mặt. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã lập tức có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng sốt đất.

Lý do dẫn đến sốt đất tại Sóc Trăng là do địa bàn tỉnh có nhiều quy hoạch, công trình, dự án trọng điểm…đã và sắp triển khai. Điều này tạo điều kiện cho giới kinh doanh bất động sản ở một số nơi tung tin đồn để thổi giá đất.

Nắm bắt được thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở ngành chức năng công khai tại trụ sở huyện, xã các bản quy hoạch chi tiết nhất về các dự án. Thậm chí, ở một số dự án mới chỉ có chủ trương đầu tư, Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu các địa phương hoàn thiện kế hoạch, quy hoạch để công khai với người dân. Chính động thái quyết liệt như thế đã khiến Sóc Trăng không còn sốt đất ảo nữa.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nhieu-doanh-nghiep-co-co-hoi-tai-sinh-tu-goi-ho-tro-350000-ty-dong-64285.html