19/01/2025 | 17:46 GMT+7, Hà Nội

Quy định mới về xử phạt các vi phạm của môi giới BĐS

Cập nhật lúc: 09/02/2022, 07:21

Tước chứng chỉ môi giới, đình chỉ sàn giao dịch; không cung cấp, cung cấp không chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn kê khai BĐS... là những quy định mới về xử phạt các vi phạm của môi giới BĐS.

Theo nội dung tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 16) “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng” chính thức có hiệu lực từ ngày 28/1 vừa qua; Nghị định 16 sẽ thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP (năm 2017) của Chính phủ và Nghị định 21/2020/NĐ-CP (năm 2020) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139.

Trong đó,  tại điều 59 “Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ BĐS”, phạt từ 40 – 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định. Tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS làm sai lệch nội dung chứng chỉ; Cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới BĐS; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS.

Phạt từ 120 – 160 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định;

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, dịch vụ BĐS, giao dịch BĐS hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; Sàn giao dịch BĐS không có quy chế hoạt động hoặc hoạt động sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc hoạt động không có tên, địa chỉ theo quy định hoặc thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định; Thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không quy định.

Quy định mới về xử phạt các vi phạm của môi giới BĐS
Quy định mới về xử phạt các vi phạm của môi giới BĐS

Đối với hành vi BĐS được đưa lên sàn giao dịch BĐS nhưng không đủ điều kiện theo quy định; Không cung cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về BĐS mà mình môi giới thì bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng. Nghị định cũng quy định về hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 3-6 tháng đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS từ 6-9 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều này.

Song song đó, tại Điều 60 “Vi phạm quản lý, ứng dụng, công khai thông tin nhà và thị trường BĐS” quy định phạt từ 60 - 80 triệu đồng đối với những hành vi: Không cung cấp, cung cấp không chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn kê khai BĐS cho cơ quan quản lý thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo quy định; Cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS của cơ quan nhà nước mà không được sự cho phép của cơ quan quản lý hệ thống thông tin BĐS;

Không làm rõ, giải trình và chỉnh sửa theo quy định đối với nội dung thông tin thị trường BĐS do mình cung cấp theo yêu cầu của cơ quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; Làm sai lệch, hỏng hoặc thất thoát thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS; Chiếm giữ, tiêu hủy trái phép thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS thuộc hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở quốc gia và các địa phương theo quy định; Cản trở việc khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS thuộc hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở quốc gia và các địa phương theo quy định;

Không thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS về những sai sót của thông tin, dữ liệu đã cung cấp. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định xử phạt vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS với mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng.

Trước đó, Mục tiêu của việc "siết chặt" này nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện môi giới BĐS một cách chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng tư vấn, dự thảo đưa ra hướng sửa đổi, bổ sung quy định phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học mới được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Cùng với đó, bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới...; phải có chứng chỉ hành nghề. Sau khi thành lập doanh nghiệp phải cung cấp thông tin đến Sở Xây dựng địa phương nơi đang hoạt động và Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản để được đăng tải công khai trên hệ thống quản lý của địa phương.

Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài hành nghề môi giới tại Việt Nam sau khi thành lập doanh nghiệp, văn phòng... cần phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Cục quản lý nhà thị trường bất động sản để được đăng tải thông tin trên Cổng thông tin của Cục quản lý nhà. Đồng thời, Bộ Xây dựng đề xuất cần có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của các tổ chức môi giới BĐS.

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định về điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, điều kiện được thi sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, về kỹ năng hoạt động môi giới bất động quá dễ dàng, không quy định buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản nên dẫn đến tình trạng hiện nay đội ngũ làm môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn "chụp giật", không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn "sốt ảo" để kiếm lợi.

Quy định cá nhân chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện có CCHN và đăng ký nộp thuế là có thể thực hiện dịch vụ môi giới BĐS. Pháp luật hiện hành chưa bắt buộc các cá nhân này có trách nhiệm phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động của họ.

Quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề còn quá nhẹ so với hậu quả khi xảy ra sai phạm (phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu), mức xử phạt này mới chỉ dừng lại ở mức độ răn đe dẫn đến việc người môi giới không coi trọng chứng chỉ môi giới. Hiện nay bên cạnh những nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp có không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản".

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/quy-dinh-moi-ve-xu-phat-cac-vi-pham-cua-moi-gioi-bds-20201231000005366.html