Nhiều doanh nghiệp chìm trong nợ xấu, ngân hàng rao bán tài sản thu hồi vốn
Cập nhật lúc: 19/06/2023, 13:30
Cập nhật lúc: 19/06/2023, 13:30
Hàng loạt tài sản thế chấp được rao bán
Trong vòng một tháng qua, nhiều ngân hàng liên tiếp ra thông báo rao bán các tài sản thế chấp để thu hồi khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp, trong đó có cả nhà máy thủy điện, khu công nghiệp…
Đơn cử như ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới ra thông báo bán đấu giá khoản nợ của 2 khách hàng doanh nghiệp là Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi. Mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 914 tỷ đồng, giảm 102 tỷ đồng so với lần trước. Tổng dư nợ của khoản nợ tạm tính đến ngày 9/5 là 1.016 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 633 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này gồm Nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW; nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Khoản nợ này còn được bảo đảm bằng 17,86 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân - Đăk Psi (chưa niêm yết) và 24,541 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần thủy điện Nước Chè (chưa niêm yết). Ngoài ra, nhiều bất động sản khác cũng được làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ này như nhà và đất tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên tài sản là nhà máy thủy điện được đem ra đấu giá.
Trước đó, vào tháng 5, BIDV chi nhánh Gia Lai rao bán đấu giá dự án Nhà máy thủy điện Tân Thượng tại xã Tân Lâm, huyện Di Linh và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng do Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư. Nhà máy này có công suất thiết kế 22 MW, đã được đấu giá nhiều lần từ tháng 11/2021 đến nay.
Ở lần đấu giá này, mức giá khởi điểm được đưa ra là hơn 325 tỷ đồng, giảm 133 tỷ đồng so với lần đầu tiên. Mức giá trên không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua tài sản, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Dự án Nhà máy thủy điện Tân Thượng có công suất thiết kế 22 MW, sản lượng điện 108 triệu kWh/năm với tổng số vốn đầu tư 918 tỷ đồng, với nhà thầu chính là Công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà 9.
Còn Agribank chi nhánh Đông Anh bán khoản nợ Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng Thăng Long với giá khởi điểm hơn 7,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng dư nợ tạm tính đến 31/3/2023 hơn 18,8 tỷ đồng (nợ gốc hơn 7,8 tỷ đồng, lãi hơn 7,9 tỷ đồng).
Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn bán 6 khoản nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Thành Phố Xanh, Công ty TNHH Âu Á, Công ty TNHH Thương Mại Đầu Tư Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Đầu Tư Khải Phong, Công ty TNHH Đầu Tư Nguyên Ngọc, Công ty TNHH MTV Mêkông Đông Dương. Các khoản nợ tính đến 30/4/2023 hơn 1.200 tỷ đồng; có chung 36 tài sản thế chấp tại ngân hàng.
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo bán đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng. Còn khoản nợ 473 tỷ đồng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỷ đồng.
Tổng khoản nợ của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 và Công ty TNHH kinh doanh địa ốc Anpha lên tới 670 tỷ đồng đang được Sacombank rao bán khởi điểm 145 tỷ đồng.
Sacombank cũng tiếp tục thông báo bán đấu giá không tách rời toàn bộ 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) theo nguyên trạng. Tổng dư nợ tính đến cuối năm 2021 là 16.196 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.061 tỷ đồng.
Chia sẻ với PV, trưởng phòng giao dịch một ngân hàng tại Cầu Giấy cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động kinh doanh của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều khó khăn nên nợ xấu tăng. Đặc biệt, từ đầu quý II đến nay, nợ xấu tăng khá mạnh, phần lớn là nợ mua bất động sản. Công việc chính của các nhân viên thời gian qua là lo bán tài sản để thu hồi nợ chứ không đơn giản là cho vay như trước. Dù vậy, việc xử lý nợ cũng không dễ vì thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, giao dịch kém.
Cần thêm nhiều giải pháp mạnh
Theo giới chuyên gia, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang suy giảm, việc kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân. Trước hết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay tiếp tục gặp khó khăn, giảm nguồn thu và khả năng trả nợ, nguy cơ phát sinh nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng.
Mặt khác, tuy các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Do đó, lúc này cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tiếp tục tháo khó khăn, vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý xử lý nợ xấu.
Liên quan đến việc làm cách nào để xử lý nợ xấu ngân hàng, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất tạo cơ chế mới cho phép nhiều chủ thể được mua nợ khi tham gia thảo luận về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng, chiều ngày 9/6 vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, trong lần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, cần cân nhắc cho phép các doanh nghiệp khi mua nợ xấu cũng được hưởng cơ chế xử lý nợ xấu như các tổ chức tín dụng để thu hút nhiều chủ thể tham gia xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ xấu. Cùng với đó, ông Hùng đề xuất việc nhận và xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản có thể được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền thông qua một tổ chức hoạt động tại Việt Nam.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) kiến nghị, bên cạnh đối tượng được mua bán, xử lý nợ gồm Công ty Quản lý tài sản (VAMC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cần mở thêm các đối tượng khác nếu có khả năng tài chính, không sai phạm trong hoạt động để có thị trường mua bán nợ công khai, minh bạch, không nên bó hẹp chỉ có 2 công ty.
Trao đổi với PV, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho hay, với thực trạng hiện nay, muốn không để nợ xấu tiếp tục tăng thì buộc phải có cơ chế pháp lý đặc thù cụ thể và rõ ràng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, trong trung hạn, hợp lý nhất là phải xây dựng một luật chung để xử lý nợ xấu của nền kinh tế, trong đó trọng điểm là nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Còn trước mắt cần xem xét bổ sung một quy định mở rộng phạm vi áp dụng chương xử lý nợ xấu cho cả nền kinh tế.
“Cần phải xác định rõ, nợ xấu không phải là sở hữu của ngân hàng mà là của doanh nghiệp, của người đi vay và của cả nền kinh tế. Do đó, xử lý nợ xấu không phải là việc giúp đỡ, hỗ trợ hay ưu ái, dành đặc ân cho một số người xấu, một nhóm doanh nghiệp xấu và một vài ngân hàng xấu. Vì vậy, việc làm cho nợ xấu tốt lên là vì cái chung, vì doanh nghiệp và vì cả nền kinh tế”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh./.
Tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 vừa công bố, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nợ xấu có xu hướng tăng, giá trị nợ xấu tăng 40,2% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 8,8%). Tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 3/2023 là 2,88% (cuối năm 2022 là 2,05%).
Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu bình quân toàn hệ thống là 80,8% (cuối năm 2022 là 114,2%). Tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu trong cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân bình quân toàn hệ thống là 54,1% (cuối năm 2022 ở mức 77,2%).
Nguồn: https://reatimes.vn/ngan-hang-rao-ban-tai-san-thu-hoi-von-20201224000020229.html
13:57, 07/06/2023
13:57, 21/05/2023
20:29, 18/05/2023
12:15, 10/02/2023