04/12/2024 | 01:01 GMT+7, Hà Nội

Nhiều cơ hội cho hàng Việt tiếp cận thị trường mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Cập nhật lúc: 21/07/2021, 06:00

Trong bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam và ở các thị trường nhập khẩu còn diễn biến phức tạp, cần có sự bổ trợ lẫn nhau giữa thương mại quốc tế và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), để tiếp cận, thực hiện và thực hiện có hiệu quả việc xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị một số điều kiện cần thiết như:

Hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu: Một sản phẩm có thể bán rất tốt ở thị trường này, nhưng sẽ không thể bán được ở thị trường khác do tính chất của sản phẩm và đặc tính tiêu dùng của thị trường. Do vậy sản phẩm xuất khẩu qua thương mại điện tử cần xác định được thị trường mục tiêu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiểu biết về các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu. Đảm bảo hàng hoá đạt các tiêu chuẩn chất lượng và các chứng từ, chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, bao gồm cả các thủ tục liên quan tới phân phối qua thương mại điện tử tại nước nhập khẩu.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần nắm rõ được quy trình logistics, bảo quản hàng hoá và tính toán được phương án logistics tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để hàng hoá có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên thương mại điện tử tại thị trường nước ngoài.

Vừa qua Bộ Công Thương đã phối hợp với TCT Bưu chính Viettel (Viettel Post), Sàn thương mại điện tử Voso để xây dựng nền tảng Voso Global, xuất khẩu thí điểm hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường Đức thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng của Việt Nam, do người Việt phát triển và vận hành đã được cộng đồng người Việt bên Đức đón nhận hết sức tích cực.

Trong thời gian  tới đây, Voso Global sẽ tiếp tục được hoàn thiện và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từng bước tiếp cận phương thức xuất khẩu mới, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, quy trình thương mại điện tử xuyên biên giới là một quy trình khá phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp Việt năng lực từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ trực tiếp tới người tiêu dùng. Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tới xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới còn nhiều hạn chế vì vậy không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ. Chính vì vậy để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tới đây, Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ ngành khác như Bộ Nông nghiệp, Bộ Thông tin truyền thông để tổ chức các chương trình hỗ trợ đào tạo thương mại điện tử cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, tổ chức quảng bá sản phẩm ở cả trong và ngoài nước, kết nối với người tiêu dùng ở thị trường nhập khẩu…

Ngoài ra, Bộ Công Thương có thể kết nối doanh nghiệp phối hợp với Viettel Post để thúc đẩy việc tổ chức phân phối, thẩm định hàng hoá, thông quan hàng hoá, thanh toán đơn hàng cũng như vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng ở thị trường các quốc gia nhập khẩu. Đây cũng là bước tiền đề để các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hoá qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế của hàng Việt Nam không chỉ trong nước mà trên bản đồ thế giới.

Nguồn: https://baodansinh.vn/nhieu-co-hoi-cho-hang-viet-tiep-can-thi-truong-moi-thong-qua-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-20210720083408299.htm