22/11/2024 | 19:46 GMT+7, Hà Nội

Nhiều bị cáo vụ Đồng Tâm hối lỗi, mong được khoan hồng

Cập nhật lúc: 08/09/2020, 15:26

Trước tòa, nhiều bị cáo trong vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm đã bày tỏ sự hối lỗi, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Các bị cáo trong vụ án. ẢNH: ĐÌNH TRƯỜNG

Ngày 7.9, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 29 bị cáo trong vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 9.1 khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh. HĐXX gồm 5 người, do thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa Hình sự TAND TP.Hà Nội, làm chủ tọa. Có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa.

Trong vụ án này, có 25 bị cáo bị xét xử về tội giết người với khung hình phạt tối đa là tử hình; 4 bị cáo bị xét xử về tội chống người thi hành công vụ với khung hình phạt tối đa 7 năm tù giam. Tại phiên tòa còn có đại diện hợp pháp của bên bị hại (3 cán bộ công an hy sinh) và 3 luật sư bào chữa.

“Bị cáo rất hối hận”

Trong ngày xét xử đầu tiên, HĐXX đã thẩm vấn đối với nhóm bị cáo bị xét xử về tội giết người có vai trò chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, gồm: Bùi Viết Hiểu (77 tuổi), Lê Đình Công (56 tuổi), Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi), Lê Đình Doanh (32 tuổi), Lê Đình Chức (40 tuổi).

Theo cáo trạng, sau khi biết tin Công an Hà Nội phối hợp Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất Đồng Sênh, ông Lê Đình Kình đã cùng với các ông Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu và nhiều người khác góp tiền mua 10 quả lựu đạn, làm hàng chục chai bom xăng, mua tuýp sắt có gắn dao bầu... nhằm tấn công lực lượng chức năng.

Rạng sáng 9.1, khi lực lượng công an đến cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà ông Kình khoảng 50 m) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch thì bị các bị cáo trong vụ án đánh kẻng báo động, bắn pháo. Lực lượng chức năng đã sử dụng loa phát thanh kêu gọi các đối tượng chấm dứt ngay hành vi vi phạm và đầu thú nhưng không có kết quả. Quá trình ngăn chặn hành vi phạm tội, các bị cáo trong vụ án đã dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an khiến 3 chiến sĩ công an: Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân hy sinh.

Là người bị gọi lên thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Bùi Viết Hiểu thừa nhận đã cùng ông Lê Đình Kình thành lập “tổ đồng thuận” từ năm 2012 với lý do chống tệ nạn tham nhũng xảy ra tại địa phương.

Trong quá trình “tổ đồng thuận” hoạt động, bản thân bị cáo thấy mệt mỏi muốn rút ra từ năm 2018, nhưng không được “vì trót đâm lao phải theo lao”. Trước tòa, bị cáo Hiểu không thừa nhận vai trò chủ mưu, không bàn bạc với người khác để chống đối chính quyền, nhưng lời khai thể hiện nhiều mâu thuẫn, khi thì cho rằng đêm xảy ra vụ án đến nhà ông Lê Đình Kình ngủ lại bởi sợ bị bắt cóc; lúc thì khai do người khác gọi điện đến. Bị cáo này cũng thừa nhận ném 2 chai bom xăng vào đêm xảy ra vụ án…, những diễn biến bên ngoài như thế nào thì không nắm được bởi ở trong nhà.

Mặt khác, bị cáo Hiểu cũng cho rằng cáo trạng chưa đúng khi cho rằng toàn bộ đất Đồng Sênh (xã Đồng Tâm) bị thu hồi làm sân bay Miếu Môn. Theo bị cáo, chỉ có 47,3 ha đất Đồng Sênh bị thu hồi phục vụ mục đích quốc phòng, còn lại là đất nông nghiệp.

Các lời khai của bị cáo Hiểu được chủ tọa phiên tòa đánh giá là bất nhất, ngay cả trước tòa. HĐXX đã cho trình chiếu lời khai của bị cáo Hiểu tại cơ quan điều tra, trong đó thể hiện bị cáo khai biết rõ nguồn gốc đất Đồng Sênh là đất quốc phòng, nhưng do bị lôi kéo nên đã tham gia việc chống đối chính quyền.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Đình Công không thừa nhận vai trò chủ mưu cũng như việc bàn bạc với các bị cáo khác trong vụ án chống lại lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bị cáo này thừa nhận mình là người đã chỉ đạo những bị cáo khác mua sắm các loại hung khí như dao, tuýp sắt, phóng lợn, chuẩn bị bom xăng, mua lựu đạn bằng nguồn tiền đóng góp của một số người dân.

Khi chủ tọa phiên tòa hỏi: “Bị cáo cho HĐXX biết mua lựu đạn để dùng vào mục đích gì?”, bị cáo Công cho biết nhằm mục đích giữ đất. Bị cáo này cũng nêu rõ kế hoạch của “tổ đồng thuận” gồm 3 bước, tùy theo mức độ của cơ quan chức năng mà sử dụng gạch đá, bom xăng và cuối cùng là lựu đạn. Trong vụ việc xảy ra vào ngày 9.1, bị cáo Lê Đình Công thừa nhận đã có ném đá, bom xăng và lựu đạn.

Trả lời câu hỏi: “Bị cáo có nhận thức như thế nào về vụ án này?” của HĐXX, bị cáo Công nói: “Sau khi bị bắt thì mới biết 3 cán bộ công an hy sinh. Bị cáo rất hối hận. Cho bị cáo thành thật xin lỗi 3 gia đình, mong 3 gia đình cán bộ chiến sĩ tha thứ cho các bị cáo trong vụ án. Bị cáo đã nhận ra những sai lầm của mình và đã thành khẩn khai báo để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển cũng xin được hưởng khoan hồng và nói: “Vợ bị cáo ốm đau, các con của bị cáo cũng cần sự chăm sóc nên mong Đảng, Nhà nước giảm nhẹ cho bị cáo”. Bị cáo này khai nhận tham gia vào “tổ đồng thuận” từ năm 2017, sau khi được nghe ông Lê Đình Kình tuyên truyền về việc đất đai của xã bị cán bộ tham nhũng, gia đình những người theo ông Kình sẽ được chia đất.

Bị cáo Lê Đình Chức, con trai ông Lê Đình Kình, thành khẩn khai báo diễn biến sự việc, trong đó có các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tử vong cho 3 cán bộ chiến sĩ công an, như sử dụng tuýp sắt có gắn dao bầu chọc nhiều lần vào lực lượng công an; chỉ đạo người khác mang chậu xăng lên đổ xuống hố - nơi có 3 cán bộ công an ngã xuống. Đồng thời, bị cáo Chức cũng là người nhiều lần đổ xăng xuống hố.

Bị cáo Lê Đình Chức

Bác kiến nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung

Trước đó, trong phần thủ tục, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét một số kiến nghị trước khi phiên tòa diễn ra. Theo đó, ngày 31.8 và ngày 4.9, nhóm các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã nộp bản kiến nghị lên HĐXX, trong đó đề nghị triệu tập 22 thành phần tham dự phiên xét xử (trong đó có bà Dư Thị Thành - vợ ông Lê Đình Kình; và vợ Lê Đình Uy); triệu tập ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; kiến nghị điều tra lại vụ án…

Trả lời các kiến nghị này, thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn cho biết luật sư có đề nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung và một số người khác, nhưng xét thấy những người này không có liên quan trực tiếp đến vụ án nên HĐXX không triệu tập...

Về việc điều tra vụ án, thẩm phán Toàn cho biết theo pháp lệnh Điều tra thì vụ án xảy ra trên địa bàn TP.Hà Nội nên Công an TP.Hà Nội điều tra là đúng quy định của pháp luật. Với kiến nghị triệu tập bà Dư Thị Thành, vợ ông Kình; và vợ Lê Đình Uy, HĐXX ghi nhận, xét thấy cần thiết sẽ triệu tập. Với đề nghị của luật sư về việc trả hồ sơ, điều tra lại vụ án, HĐXX cho rằng trong quá trình thẩm vấn, xét hỏi, nếu thấy cần thiết sẽ xem xét vấn đề này.