21/11/2024 | 16:53 GMT+7, Hà Nội

Nhiệm vụ đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cuối năm khó khả thi

Cập nhật lúc: 07/01/2024, 10:55

Trước tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn khó khăn, việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cuối năm là bài toán không hề dễ dàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Văn bản 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Văn bản nêu rõ, để tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nhiều giải pháp, như chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, nhất là nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, tăng cường chuyển đổi số, quyết liệt triển khai, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn.

Tổ chức triển khai ngay các giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân; xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong đánh giá khách hàng vay do Bộ Công an cung cấp, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng…

Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng để kích cầu tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế hiện nay là không hề đơn giản.Số liệu của NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Cụ thể, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính giảm khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu tăng 10-15%.

Nguyên nhân của việc tín dụng tiêu dùng khó tăng chính là nợ xấu khó kiểm soát, các công ty tài chính và ngân hàng không dám mạnh tay. Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro (GE Credit) cho hay, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, trên nguyên tắc linh hoạt và thích ứng để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, Công ty đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ…, từ đó kích cầu vay tiêu dùng và cải thiện hoạt động thu hồi nợ. Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng, trong khi lãi suất leo thang, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh doanh của FE Credit.

“FE Credit và các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đang đối mặt với một vấn đề nan giải chung trong công tác thu hồi nợ. Với tỷ lệ khách hàng “vay mà không trả” gia tăng nhanh chóng, chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao”, ông Marcin nói.

Nhiệm vụ đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cuối năm là khó khả thi trước tình hình kinh tế như hiện tại.

Người vay chưa ý thức được trách nhiệm trả nợ với khoản vay và hệ quả xảy ra. Mặc dù luật pháp hiện hành có những quy định tương đối chặt chẽ với người đi vay, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này để cố tình trốn tránh, không trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay và hành hung nhân viên thu hồi nợ.

Thực tế, nhiều công ty tài chính tiêu dùng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ do phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu trong 3 quý đầu năm nay. Chẳng hạn, VietCredit vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với khoản lỗ 62,4 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty này lỗ 136 tỷ đồng, do lãi thuần từ hoạt động kinh doanh giảm gần 23% so với cùng kỳ, xuống 468 tỷ đồng, còn chi phí dự phòng tăng lên hơn 600 tỷ đồng.

Dự phòng rủi ro tín dụng của VietCredit tăng nhanh trong bối cảnh chất lượng tài sản của Công ty xấu đi nhanh chóng. Số dư nợ xấu đã tăng từ 525 tỷ đồng cuối năm ngoái lên 868 tỷ đồng cuối tháng 9 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 11,88% lên 20,45%.

Tại HD Saison, dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 9/2023 giảm 12% so với đầu năm, tổng thu nhập hoạt động tăng 28,2%, nhưng lãi trước thuế giảm trên 60% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison, Công ty vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp hơn nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

Với FE Credit, trải qua giai đoạn đầu tái cơ cấu, kết quả ghi nhận các khoản lỗ giảm dần và quý III/2023 có lãi trở lại. Trước đó, công ty này lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, vượt cả tổng lỗ năm 2022.

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/nhiem-vu-day-manh-tin-dung-tieu-dung-cuoi-nam-kho-kha-thi-114210.html