21/01/2025 | 14:28 GMT+7, Hà Nội

Nhà tập thể cũ dốc Thọ Lão

Cập nhật lúc: 22/04/2019, 19:00

Đó là thời của một đời người mà tôi từng đi qua với tóc mây vượt bao nhiêu con dốc còn cao hơn dốc Thọ Lão này...

Dốc Thọ Lão ở gần cây đa Nhà Bò phố Lò Đúc (Hà Nôi). Phố duy nhất có hàng cây sao đen, nếu cứ đi hết hàng cây sao đen là tới dốc Thọ Lão. Phía dưới dốc có một cửa hàng tin hin chứa một thùng phuy nhỏ, chuyên bán dầu hỏa. Tôi hay có cái cớ xuống dốc Thọ Lão mua dầu hỏa để thắp đèn dầu khi ngày rằm mùng 1. Chỉ là một cái cớ thôi để tôi xuống dốc này, vì dưới dốc có hẳn mấy khu tập thể cũ càng nhất của nhà máy Rượu Hà Nội, và cả một khu tập thể nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo nữa, dù giờ đây mọi thứ đã lùi về ký ức xa xưa, dù nhà máy Diêm của thời Pháp thuộc, sau đổi tên là nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo cũng đã xóa bỏ hết vết tích cũ để trở thành tòa nhà Vincom Center Bà Triệu.

Nhà máy rượu Hà Nội và nhà máy Trần Hưng Đạo không còn nữa, nhưng khu tập thể cũ thì còn nguyên. Nếu đi vào khu tập thể cũ, cảm giác lại vừa như trôi về khói bếp, mùn cưa, mỗi khi tôi đang nhóm lửa; còn ám ảnh cái bếp dầu, ám ảnh mãi mùi dầu hỏa vẫn quanh quẩn quanh mình, tôi không sao thoát ra khỏi ký ức của cái thời bao cấp ngỡ đã quên hay đã vùi lấp đi từ những năm cuối thập kỷ XX.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Một hành lang nhà tập thể cũ, luôn mờ mờ, trong ngọn đèn tiết kiệm điện. Có nhà, gia đình người công nhân ở nhà máy cũ vẫn hiển diện nghèo như xửa như xưa. Cái giường đôi phân phối, cái bộ ghế gỗ lim kiểu cũ với một chiếc ghế dài, hai ghế đơn, đều được lau chùi sạch sẽ, y như chủ nhân rảnh rỗi chẳng biết làm gì ngoài việc lau ghế và lau nhà. Nhà nghèo nhưng sạch bóng. Bộ ấm chén cũng sạch bong.

Người thợ đúc duy nhất cao tuổi, bà có tên là Bích (đúc) vì bà làm thợ đúc lâu năm nhất ở nhà máy Trần Hưng Đạo, bà đã ngoài 80 tuổi vẫn thính tai tinh mắt, vẫn kể chuyện về phân xưởng cũ vanh vách, như lịch sử vừa được lật ra, rồi cả hồi ức chợ Đuổi với bao kỷ niệm của ngày làm công nhân, tay nghề thợ bậc 4. Câu chuyện dài về chị Phú thợ nguội, có chồng là phi công hy sinh từ năm 1974; chị Phú xinh lắm mà số kiếp vất vả vô chừng, chuyện cô Vân bạn thân chị Phú cũng lấy chồng phi công qua giới thiệu mai mối của bạn, cô Vân ấy lại yên ấm đủ đầy. Ngẫm ra thấy phận người cũng có số, như số giầy đã đo chân, chẳng thể so bì và chẳng thể ước là có và mó là thấy.

Tập thể cũ, nhà máy cũ, lối mòn cũng cũ đi chứ nói gì những phận người nổi nênh khắp gầm trời thiên hạ. Bà Bích vẫn đi dạo vòng qua vòng hồ ở mé bên kia là đền thờ Hai Bà Trưng, rồi bước chân lại vòng về dốc Thọ Lão là đã đi bộ được 30 phút mỗi ngày.

Ngày trước ở chỗ khu tập thể nhà máy rượu luôn luôn phảng phất mùi bã rượu rõ thơm, mùi chưng cất lên men và mùi rượu chưa đóng chai cứ hắt ra phố Đồng Nhân thơm vương vất đến dốc Thọ Lão. Bao đứa trẻ sinh ra ở khu tập thể cũ đã rời bỏ nơi đây khi chúng học hành thành đạt, đứa đi vào Tây Nguyên, đứa vào Sài Gòn lập nghiệp, rồi có đứa ra nước ngoài sinh sống. Hiếm lắm mới có đôi trẻ ở nhà chung cư cũ, với căn hộ chật hẹp vẫn tứ đại đồng đường nhốt trong không gian hơn hai chúc mét vuông.

Bà Tích vốn chỉ làm nhân viên đóng chai ở tại nhà máy rượu từ lúc cầm sổ hưu trí về, vẫn bán nước chè chén ngay chợ cóc góc dốc đường cho thêm thắt đồng tiền chợ, bà vẫn nói rằng, con cái đã thành thân, đứa thì ra ở riêng, mua căn hộ ở chung cư cao tầng mạn chợ Mơ đi xuống, căn hộ khu ấy đẹp và hoành tráng lắm, không giống như chung cư của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong ngõ Đại La, cũng là khu chung cư đều xây dựng vào gần những năm cuối của cuối thế kỷ XX, nó cũ nát, chật chội nên người ở thì tìm cách vá víu đua ra ban công, kiểu nhà đua ra ban công, nom rất giống như cảnh đắp vá, manh mún, ngước nhìn lên nom sợ lắm. Trộm nghĩ, nếu chỉ động đất mạnh một tý, thì nhà đua ra kiểu này sẽ rụng như sao mai.

Khi đứa cháu bà Tích học giỏi, nó đi Nhật du học về, cháu nói cho bà hay, không gian chung cư ở bên nước Nhật họ sống trong căn phòng hẹp nhưng tuyệt đối không có sự đua ra ban công vá víu như người Việt ta. Chính đứa cháu bà nhận xét, chung qui cũng chỉ tại người Việt sống tham, đã thế còn cùng nhau a dua làm hỏng hết các kiến trúc nhà chung cư cũ, nó sập sệ, vừa manh mún, vừa tạm bợ. Nó phản ánh đúng kiểu sống tạm,đúng kiểu ở tạm qua ngày.

Ngay giờ đây, cái sân rộng của cả chung cư cũ cũng được nhà nước quan tâm, cho xây cái sân chơi có chỗ cầu trượt cho trẻ, chỗ đu quay, chỗ phi ngựa, sân cũng chỉ được ít lâu, kẻ xấu lại mò đến tháo dỡ hết đinh khuy bắt vít bán đồng nát. Đu quay, ngựa phi như chết hẳn trong đống sắt vụn.

Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Internet

Chung cư cũ và cách sống cũ, cứ sỏn sẻn mạnh ai nấy sống đã khiến cho nhiều cặp vợ chồng trẻ, những người sống văn minh hơn, khi có ít tiền, họ tìm nơi thuê nhà cũng nên chọn hàng xóm tốt mới đến thuê ở. Không chỉ riêng bà Bích thợ đúc hay bà Tích nhân viên đóng chai rượu cũng mơ về cách sống có làng giềng rất cần hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Chứ có lên chung cư hiện đại cứ mạnh nhà ai nhà ấy vào, đi lên chung một cầu thang máy không chào hỏi nhau, như kẻ xa lạ và mặt lạnh, dù cạnh nhà nhau cũng không quen biết. Và người đứng tuổi, đi chợ siêu thị in giá trên bao bì, họ cũng không thích bằng đi chợ cóc, đi chợ đầu mối tha hồ mua bán mặc cả mới thích. Bà Bích nói thế. Con cháu bà đều cười, thôi cho qua chấp gì bà đầu 8, đuôi 9 kia chứ.

Ấy là chưa phải mùa thu, chưa phải heo may trở lại, nhưng mỗi khi đi xuống dốc Thọ Lão mua dầu hỏa, tôi vẫn rẽ vào khu nhà tập thể cũ kỹ kia, để cúi xuống một ký ức không nhòa, những ngày của còi báo động và còi báo yên; những ngày thiếu thốn và tem phiếu cùng cực, con người vẫn thương yêu nhau hơn thời buổi bây giờ. Và từng có biết bao thế hệ trưởng thành và thành đạt, họ có điểm xuất phát từ ước mơ trong thiếu thốn và nghèo khó, vốn dĩ ở chung cư cũ kỹ ấy.

Họ ra đi và tìm về, để cúi xuống chia sẻ với những phận người bất hạnh vốn xuất thân từ giai cấp công nhân mà ra. Nếu mai kia khu tập thể cũ của nhà máy rượu, rồi tập thể nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo được đưa vào dự án xây chung cư cao tầng, tôi vẫn sẽ trở lại dốc Thọ Lão, trở lại đền thờ Hai Bà Trưng với những kỷ niệm về quán chè chén bà Tích và nơi mua dầu hỏa, vẫn xộc lên mũi với những ký ức chẳng dễ (delete) xóa đi dễ như ta vẫn tưởng, quên đi ký ức cho nó nhẹ người. Đó là thời của một đời người mà tôi từng đi qua với tóc mây vượt bao nhiêu con dốc còn cao hơn dốc Thọ Lão này, nhưng dốc ký ức thì cứ dốc mãi vào tim như quả chuông rung chỉ có mình mình run lên cùng kỷ niệm, và khát vọng.

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng