24/01/2025 | 00:28 GMT+7, Hà Nội

Nhà phố cho thuê là phân khúc ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 16/04/2020, 13:30

Báo cáo thị trường quý I/2020 từ Savills nhận định thị trường nhà phố là phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong đại dịch do các chủ nhà hàng, quán sá buộc phải đóng cửa trước nỗ lực giãn cách xã hội của Chính phủ.

Mặt bằng bán lẻ điêu đứng trong Covid-19

Theo Savills, tại các trung tâm mua sắm, việc cho thuê có xu hướng ràng buộc về mặt pháp lý cao hơn và khách thuê muốn duy trì diện tích thuê hiện tại, do đó công suất vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, đối với các chủ nhà phố cho thuê bán lẻ, Covid-19 đã có những ảnh hưởng ngay lập tức. Hầu hết khách thuê nhà phố là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên bị ảnh hưởng từ sự sụt giảm doanh thu đột ngột nhiều hơn các nhà bán lẻ có quy mô lớn. Các thương hiệu nổi tiếng có diện tích thuê cả ở các trung tâm mua sắm và ở các nhà phố thường quyết định đóng các cửa hàng tại nhà phố trước.

Kể từ đầu tháng 2, nhiều khách thuê nhà phố đã quyết định không gia hạn hợp đồng thuê. Một số khách thuê muốn giữ lại các vị trí đắc địa quyết định đóng cửa tạm thời hoặc yêu cầu giảm tiền thuê trong suốt thời gian ngừng hoạt động. Một khảo sát gần đây của bộ phận Nghiên cứu Savills cho thấy, doanh thu tại một số nhà hàng đã giảm 50% trong tháng 2 và đến 80% theo tháng trong tháng 3. Yêu cầu thuê nguyên căn và giá thuê cao cũng là những lý do cho việc đóng cửa.

Nhà phố cho thuê là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19

Các chỉ số vĩ mô liên quan đến thị trường bán lẻ trong quý 1/2020 suy yếu cho thấy sự suy giảm nhu cầu bán lẻ. Trong quý 1/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 54 tỷ USD và tăng 4,7% theo năm. Không tính yếu tố lạm phát, tăng trưởng thực đạt 1,6%. Đây là mức tăng trưởng quý I thấp nhất trong suốt 10 năm nay. Doanh thu bán lẻ quý I đạt 13 tỷ USD, giảm 1% theo năm. Trong quý, mức tăng trưởng giảm dần trong tháng 1 đạt 12% theo năm, tháng 2 là 2% và đến tháng 3 thì mức tăng trưởng âm 11% theo năm.

Doanh thu lưu trú và ăn uống giảm 31% theo năm. Bên cạnh tác động từ Nghị định số 100/2019/ND-CP về lệnh cấm lái xe khi sử dụng các đồ uống có cồn có hiệu lực từ tháng 1 năm 2020, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bị dán thêm một đòn mạnh hơn từ quy định giãn cách xã hội trong mùa dịch mà gây ra giảm niềm tin của người tiêu.

Kỳ vọng thị trường sớm hồi phục

Trong 9 tháng tới, 87% nguồn cung mới sẽ tập trung tại khu vực ngoài trung tâm và điều nay có thể dẫn đến giá thuê trung bình giảm. Việc người tiêu dùng phải đối mặt với việc giảm thu nhập và sự không chắc chắn tăng, các chủ đầu tư hiện đang xem xét trì hoãn thời điểm tham gia vào thị trường.

Với kỳ vọng dịch sớm kiểm soát, tình hình cải thiện trong việc quản trị tài chính, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các chương trình kích cầu chưa từng có làm tăng kỳ vọng về sự phục hồi nhanh chóng ở Việt Nam. Theo dự báo gần đây nhất của ADB, với mức tăng trưởng 4,8% trong năm 2020, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng GDP cao nhất châu Á và dự báo đạt 6,8% trong năm 2021.

Một điểm lưu ý tích cực, chi phí thuê giảm sẽ tạo động lực cho ngành. Các nhà bán lẻ hiện hữu sẽ phải đổi mới các chiến lược bán hàng tại cửa hàng và trực tuyến để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Các ngành bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch bệnh như ăn uống, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim sẽ phục hồi nhanh hơn những ngành khác khi dịch bệnh kết thúc và người tiêu dùng địa phương sẽ nhanh chóng trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau nhiều tháng bị cách ly xã hội. Các ngành liên quan đến kinh doanh trực tuyến như thời trang có thể phục hồi chậm hơn khi hành vi tiêu dùng thay đổi, từ mua sắm tại cửa hàng sang mua sắm trực tuyến.

Với tầm nhìn phát triển bền vững trong dài hạn ở cả hai phía chủ cho thuê và khách thuê, các chuyên gia của Savills cung cấp một số kiến nghị như sau: Gia hạn thời gian thuê trong thời gian 3 tháng; Hoàn trả tiền thuê trong vòng 9-18 tháng tiếp theo hoặc trong thời gian còn lại của hợp đồng thuê; Thanh toán tiền thuê hàng tháng trong thời kỳ khủng hoảng; Phí dịch vụ duy trì mức tối thiểu và được thanh toán hàng tháng; Đẩy nhanh những thay đổi về mô hình cho thuê truyền thống trong tương lai. Chủ cho thuê có thể yêu cầu khách thuê cung cấp dự báo doanh thu bán hàng trong tương lai để đồng ý nhượng bộ; Sử dụng tình hình hiện tại để xác định các cơ hội.