19/01/2025 | 13:28 GMT+7, Hà Nội

Nhà chờ xe buýt “5 sao”: Chưa dùng đã... tan hoang

Cập nhật lúc: 24/03/2016, 12:36

Được đầu tư với số vốn lên đến 1.000 tỷ đồng, nhiều nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) tại Hà Nội đang trong tình trạng bỏ không, hư hỏng mặc dù chưa đưa vào sử dụng. Thực trạng đã này khiến cho dự án gây ra sự lãng phí cả về không gian lẫn tiền bạc.

Khởi công từ năm 2013, dự án xe buýt nhanh (BRT) được kỳ vọng góp phần hiện đại hóa giao thông đô thị Hà Nội, giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Theo dự kiến ban đầu, dự án xe buýt nhanh sẽ được đưa vào triển khai trong năm 2015. Tuy nhiên, đã bước sang năm 2016 được gần 1 quý nhưng hệ thống vẫn trong tình trạng bỏ không.

Được biết, dự án xe buýt nhanh Hà Nội được xây dựng theo lộ trình chiều đi: Bến xe Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương – Tố Hữu - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - quốc lộ 6 - Bến xe Yên Nghĩa; chiều về: Bến xe Yên Nghĩa - quốc lộ 6 - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Kim Mã - Bến xe Kim Mã.

Tổng chiều dài của cả lộ trình khoảng 14,7km, chiều rộng mặt đường dành riêng cho loại hình này là khoảng 3,75m và 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách giữa đường. Trên các tuyến phố trong lộ trình sẽ có làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh. 

Vận tốc xe buýt nhanh dự kiến sẽ đạt tốc độ khoảng 22-25km/h. Khả năng vận chuyển có thể vượt khoảng 200% so với dự kiến 90 hành khách của mỗi xe. 

So với xe buýt đang lưu hành hiện nay thì hệ thống xe buýt nhanh sẽ có những tiện ích nổi trội như: Nhà chờ khép kín với quạt mát; sàn nhà chờ xe buýt cao ngang bằng lối lên xe buýt tạo điều kiện cho người dân dễ dàng lên, xuống xe, nhất là người khuyết tật; hệ thống cửa trượt tự động. 

Trong nhà chờ sẽ có các bảng thông tin về tuyến, hành trình xe, các màn hình cung cấp những thông tin cần thiết cho hành khách.

Khi đi xe buýt nhanh, hành khách sẽ sử dụng hệ thống vé điện tử tự động có máy quẹt thẻ. Trên xe buýt nhanh được gắn thiết bị định vị để kết nối với trung tâm điều hành giao thông nhằm cập nhật, giải quyết sự cố phát sinh… 

Điều đáng buồn là khi hệ thống chưa hề được đưa vào vận hành nhưng một số hạng mục của công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, nhất là hệ thống 21 nhà chờ dọc các tuyến đường như Láng Hạ, Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn, Quang Trung.. 

Bụi phủ kín các nhà chờ, tấm ốp bao quanh và ốc vít tại khá nhiều vị trí đã gỉ sét. Nhiều nhà chờ, cửa kính mở phanh, người ra vào tự do. Bên trong sàn nhà chờ đọng nước bẩn.

Phía trên cửa ra vào, thanh chắn ngang tại các khớp ghép nối đã bị bong tróc thậm chí rơi xuống mà không có ai sửa chữa. Đầu mối dây điện, ống cáp đã cũ hỏng, trơ cả lõi. 

Đặc biệt, tại nhà chờ trên đường Quang Trung (Hà Đông), phần trần bị hư hỏng nặng do các phương tiện đi đường va quệt phải.

Điều này càng khiến nhà chờ xe buýt “5 sao” ở Thủ đô trở nên nhếch nhác, lãng phí hơn. 

Nhà chờ xe buýt nhanh ở Hà Nội được xây dựng công phu, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự án được kỳ vọng cải thiện hệ thống giao thông Thủ đô. 

Tuy nhiên, hiện nay, hàng loạt nhà chờ xe buýt nhanh này đã sớm hoen gỉ, bong tróc viền mái trong khi vẫn chưa được sử dụng ngày nào.

Tình trạng các nhà chờ xe buýt hiện đại đang bị bỏ hoang... dẫn đến sự lãng phí cả về vật chất và không gian.

 Hệ thống cầu vượt, đường dẫn tới nhà chờ đã tương đối hoàn thiện nhưng cũng đang trong tình trạng bắt đầu xuống cấp, nhếch nhác. 

 Nhiều nhà chờ xe buýt mở buông cửa, tấm biển cấm liệu có hiệu quả? 

 Phía trong nhà chờ còn trống trơn... 

Tại nhà chờ xe buýt trên đường Lê Văn Lương, phòng điều hành đã bị hư hỏng, nhếch nhác... mặc dù chưa đưa vào sử dụng ngày nào.  

Hệ thống điện, cáp cũng bị hư hỏng do các đội tượng xấu tự ý vào trong nhà chờ. 

Bắt đầu xuất hiện tình trạng hoen gỉ...  

Bụi phủ kín nhà chờ xe buýt... khiến cho bộ mặt đô thị trở nên xấu xí.  

Nghiêm trọng hơn, tại nhà chờ xe buýt nhanh trên đường Quang Trung, phần mái hiện đang bị hư hỏng nghiêm trọng.  

Nguyên nhân được nhiều người dân cạnh khu vực này cho biết, do xe tải lớn chạy sát dải phân cách, thùng xe va quệt vào mép mái làm hư hỏng, méo mó một phần của nhà chờ xe buýt. 

Nhà chờ có kết cấu thép, ốp vách kính cường lực. Phần mái nhô ra khoảng hơn nửa mét so với mép đường được cho là nguyên nhân chính dẫn đến mái nhà chờ bị hư hỏng.  

Hầu hết các nhà chờ đều bị phủ bụi, nhếch nhác. Sau khi xây dựng hoàn thành, các công trình này đều không được dọn dẹp, rào chắn, bảo vệ, cũng như không có người trông coi. 

Đường dẫn vào nhà chờ vẫn còn ngổn ngang.  

 Nhà chờ xe buýt nhanh tại bến xe Yên Nghĩa cũng trong tình trạng bỏ hoang, nhếc nhác như những nhà chờ khác trên toàn tuyến. 

 Trong khi nhiều người đi xe buýt truyền thống phải đứng ngồi ngoài vỉa hè dưới nắng mưa... thì một dự án xe buýt nhanh được đầu tư với số tiền lớn lại bị bỏ hoang. Đây có phải là một thực tế lãng phí hay không?