22/11/2024 | 09:57 GMT+7, Hà Nội

Nguyên liệu ngành da giầy vẫn èo uột

Cập nhật lúc: 11/12/2018, 11:01

Theo ý kiến của chuyên gia trong ngành, khó khăn lớn nhất của ngành da giầy là nguồn nguyên phụ liệu. Ngành đã phát triển gần 30 năm mà nguồn nguyên phụ liệu vẫn cứ èo uột, chạy đầu này đầu kia để tìm chỗ sản xuất nguyên phụ liệu.

 

Khó khăn lớn nhất của ngành da giày là nguồn nguyên phụ liệu (Ảnh TL) 
 

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giầy – Túi xách Việt Nam chia sẻ, hiện Việt Nam đang làm tốt nhất ở khâu sản xuất, vì nguồn lao động và chi phí nhân công của Việt Nam tốt và có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, lợi thế này không làm cho giá trị gia tăng sản phẩm tăng cao.

Để gia tăng giá trị cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, theo bà Xuân doanh nghiệp cần đầu tư và phát triển khâu nguyên phụ liệu, vì phần này liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Hiện nay tỷ trọng sản xuất nguyên phụ liệu ở Việt Nam đã chiếm được 55% và giảm dần tỷ trọng nhập khẩu.

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu chính của sản xuất da giầy là da nhưng phải nhập khẩu từ 75 - 80%, đế giày cũng nhập 30%. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan. Nguồn nguyên liệu chậm phát triển do các địa phương từ chối ngành thuộc da vì ô nhiễm.

Trong khi đó, ngành thuộc da hoàn toàn có thể xử lý được tình trạng ô nhiễm nhưng các doanh nghiệp không chịu làm. "Khó khăn lớn nhất của ngành da giày là nguồn nguyên phụ liệu. Ngành đã phát triển gần 30 năm mà nguồn nguyên phụ liệu vẫn cứ èo uột, chạy đầu này đầu kia để tìm chỗ sản xuất nguyên phụ liệu”, một chuyên gia trong ngành thẳng thắn..

Theo các chuyên gia, Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và không loại trừ có khả năng Mỹ có động thái hạn chế các sản phẩm sản xuất ở nước khác có nguồn gốc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Khi đó sẽ rất bất lợi với ngành dệt may vốn nhập rất nhiều nguyên liệu từ nước này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để đối phó với những khó khăn khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu, không loại trừ tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc đưa hàng bán thành phẩm sang Việt Nam gia công hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt rồi gắn nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu. Khi lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh, các doanh nghiệp Việt còn chịu rủi ro vì Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc. 

Hàng may mặc và da giầy Việt Nam sẽ là đối tượng được đưa vào tầm ngắm soát xét nhiều nhất vì Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc. Do vậy, doanh nghiệp phải tự thân vận động, tìm hiểu quy tắc xuất xứ để đáp ứng được tiêu chí hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Quan trọng hơn, doanh nghiệp nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu trong nước và các nước khác thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.

 Nguyễn Mạnh