19/01/2025 | 09:17 GMT+7, Hà Nội

Nguồn vốn đổ vào bất động sản tăng cao

Cập nhật lúc: 04/12/2018, 10:10

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể vượt kế hoạch đề ra là 6,7%. Vốn FDI vào bất động sản Việt Nam trong 3 năm gần đây không ngừng tăng cao, chỉ 6 tháng đầu năm 2018, đã chiếm 1/4 tổng số vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam.

Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi tại Hội thảo

Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi tại Hội thảo "Tiềm năng và Cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản" vừa diễn ra tại TP.HCM

Dự báo dòng tiền tăng cao

So với cả năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vào bất động sản chỉ ở mức 3 tỷ USD, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, nguồn vốn đổ vào Việt Nam đạt hơn 5.5 tỷ USD. Với lượng vốn như vậy, bất động sản là lĩnh vực hút vốn ngoại lớn thứ 2 chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đáng chú ý, lĩnh vực này xuất hiện những dự án tỷ USD. Trong đó, các dự án được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ dồn vào các dự án khách sạn nghỉ dưỡng như trước đây mà còn phát triển cả các dự án nhà ở và hạ tầng đô thị.

Theo quy định hiện nay, mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đang được áp dụng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp cao là 10% trong thời hạn 15 năm; miễm 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Đặc biệt chính sách còn mở rộng thêm nhiều ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế dự báo Việt Nam còn thu hút mạnh đầu tư FDI hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận là hầu hết các dòng vốn FDI vào Việt Nam đều từ các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Trong khi đó, các nhà đầu tư đến từ châu Âu khá dè dặt với thị trường bất động sản Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, vấn đề của Việt Nam là xây dựng luật rất rõ ràng, rất nhiều quy định pháp luật, từ luật có nghị định, thông tư, tuy nhiên, công tác triển khai còn hạn chế.

“Đối với việc cho người nước ngoài mua nhà, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã quy định rất cởi mở, nhưng đến nay, nhiều người nước ngoài vẫn không biết mua như thế nào, thủ tục ra sao, sau khi kinh doanh có lợi nhuận có được chuyển tiền về nước không? Tương tự đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy”, ông Hà chia sẻ.

Thị trường nhộn nhịp

Tìm hiểu thị trường bất động sản giai đoạn này cho thấy, các doanh nghiệp có quỹ đất triển khai dự án đang có kế hoạch tung ra thị trường vào thời điểm này nhằm nhắm vào dòng tiền tích lũy của người dân dịp cuối năm. Đây là khoảng thời gian người Việt tổng kết tài chính, dòng tiền ngoại hối từ kiều bào cũng đổ về nước mạnh là lý do khiến nhu cầu đầu tư hoặc tích lũy tài sản từbất động sảntăng lên.

Theo giới kinh doanh, thị trường bất động sản chuyển biến sôi động hơn vào dịp cuối năm trên thị trường thứ cấp, nhiều dự án rục rịch bung hàng. Nguồn cung sơ cấp thời gian qua không nhiều, đa phần giao dịch là những nền đất dự án cũ trên thị trường thứ cấp.

Dự báo trong năm 2019, khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản.

Dự báo trong năm 2019, khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản.

Nói về vấn đề này TS.LS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, Đại học Ngân Hàng TP.HCM, chia sẻ: Thời điểm cuối năm khi dòng tiền tích lũy của người dân tăng lên, nhu cầu mua đất để dành, chờ thời điểm bán ra cũng tăng theo. Hiện tại, thị trường vẫn có hiện tượng nhà đầu tư lướt sóng nhưng rất ít, rơi vào các dự án triển vọng, còn phần lớn là nhà đầu tư trung và dài hạn. Qua đợt nóng sốt đất vừa qua, khách hàng đã cảnh giác đối với những dự án phân lô lẻ, tính pháp lý phải chuẩn khách hàng mới mua. Mà một khi khách hàng kỹ tính hơn thì bản thân doanh nghiệp cũng phải làm tốt hơn mới ra được hàng.

So với cùng kỳ năm ngoái, nhìn chung lượng giao dịch mới trên thị trường có sự sụt giảm, một phần đến từ nguồn cung mới hạn chế ra hàng. Tuy vậy, giao dịch trên thị trường thứ cấp vẫn khá sôi động. Các nền đất có sổ được giao dịch mua bán nhộn nhịp ở giai đoạn này. Riêng về sức cầu của thị trường không "giảm nhiệt" so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí, ở một số khu vực có phần nóng sốt hơn do nguồn cung sản phẩm mới, giá thành hợp lý vừa túi tiền ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu đầu tư về cuối năm ngày càng tăng cao.

Nguồn hàng sơ cấp được nhà đầu tư mua lại ở thời điểm này được xem là bước đệm cho hoạt động mua bán nở rộ vào năm 2019. Những dự báo về khó khăn quỹ đất, tác động từ khan hiếm nguồn cung sẽ phần nào tác động đến hoạt động thị trường và giá bán bất động sản trong thời gian tới.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, so với những cơn sốt đất diễn ra thời gian qua thì những tác động về đột biến giá hay tăng giá chóng mặt sẽ khó diễn ra trong thời gian tới trước bối cảnh Nhà nước tiếp tục siết chặt tình trạng phân lô bán nền tràn lan. Dự báo trong năm 2019, khó có thể diễn ra tình trạng bong bóng bất động sản./.