18/01/2025 | 20:08 GMT+7, Hà Nội

Nguồn cung nhà ở xã hội cho công nhân như "muối bỏ bể", nút thắt ở đâu?

Cập nhật lúc: 20/12/2018, 21:00

Hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, số các dự án NƠXH cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng là 87 dự án, nguồn cung đạt khoảng 28.800 căn hộ, con số này mới chỉ đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân.

Nhu cầu NƠXH vẫn rất lớn

Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.

Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước, mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án NƠXH cho công nhân KCN, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân.

Như vậy, còn tới 72% nhu cầu chờ giải quyết và phần nào trong số đó đang phải tự giải quyết bằng mô hình thuê trọ.

Ngay cả trong các trung tâm đầy tiềm năng như TP. Hà Nội cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu chỗ ở cho công nhân, còn TP.HCM mới giải quyết được khoảng 15% nhu cầu.

hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.

Hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.

Năm 2016, trong bối cảnh NƠXH trở nên nóng, rất nhiều ý kiến cho rằng loại hình này sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2018-2020, đi kèm với đó lànhững kế hoạch giatăng số lượng các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng NƠXH, chủ động xây dựng, nâng cấp nhà ở của chính cộng đồng xã hội, phát triển tương xứng của hệ thống kết cấu hạ tầng,...

Tuy nhiên, thực tế thì dự báo đã không xảy ra, không chỉ vậy,nhữngvấn đề hạn chế trong việc thực hiện chương trình phát triển và quản lý NƠXH đã được chỉ ra trong 2016 vẫn chậm được giải quyết.

Cụ thể, tại hội thảo mới đây về"Nơi ở công nhân khu công nghiệp - Nhà ở, Sinh kế và Cộng đồng”,TS.KTS Phạm Đình Tuyển, giảng viên khoa Kiến trúc và quy hoạch, Đại học Xây dựng đã chỉ ra 4 bất cập còn tồn tại song song với sự trồi sụt của các dự án NƠXH.

Thứ nhất, chưa xây dựng được Chương trình phát triển NƠXH tại các địa phương; thứ hai, chưa thu hút và thúc đẩy hiệu quả việc xã hội hóa phát triển NƠXH; thứ ba, chưa ứng dụng linh hoạt mô hình phát triển NƠXH gắn với cơ cấu sản phẩm; thứ tư, chưa quan tâm đúng mức hoạt động sinh kế và cộng đồng của người dân...

Do vậy, nhu cầu NƠXH vẫn là rất lớn và đang chờ để giải quyết. Nhu cầu này không chỉ dừng ở nhóm đối tượng thu nhập thấp mà đặc biệt là nhóm NƠXH cho công nhân KCN.

Theo đó, nhu cầu diện tích NƠXH của những năm trước chưa thực hiện hết, lại gánh thêm nhu cầu mới tăng dần theo từng năm.

"Có ý kiến nhận xét rằng, phổ biến công nhân KCN đang trong tình trạng “5 không”: Không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. Phát triển NƠXH giờ đây không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu nơi ở mà còn cả nhu cầu xã hội rộng lớn hơn đi kèm.", TS.KTS Phạm Đình Tuyển cho hay.

Cung chưa đủ cầu, nút thắt ở đâu?

Trả lời cho câu hỏi: Tại sao đã có nhiều chính sách ưu đãi về vốn, đất đai... để thu hút đầu tư, song thực tế phát triển nhà ở cho công nhân KCN tại các địa phương vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, thậm chí còn được cho là "như muối bỏ bể", TS.KTS Phạm Đình Tuyển đã đưa ra một vài ý kiến.

Trước tiên, ông nhắc tới vai trò trách nhiệm chưa rõ của chính quyền địa phương trong việc tạo quỹ đất sạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối; thủ tục hành chính còn kéo dài, phức tạp...

Tiếp đến, theo ông Tuyển, một phần nguyên nhân là do mức độ lợi nhuận thấp (10%) của các dự án NƠXH khó thu hút doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, gắn liền với đó là hạn chế trong việc huy động, hỗ trợ tài chính và áp dụng tiến bộ công nghệ giảm giá thành sản phẩm.

Lý do thứ ba mà TS.KTS Phạm Đình Tuyển nhắc đến là do môi trường xã hội không tạo điều kiện và khuyến khích người lao động nỗ lực làm việc để tăng thu nhập.

Bởi, có thể thấy với mức thu nhập bình quân của công nhân là 3 - 5 triệu đồng/tháng, khả năng tích lũy để chi trả cho nhà ở (thuê và thuê mua) là không thể. Do vậy mà có những dự án NƠXH xây dựng xong không có người thuê, trong khi đó, người lao động lại đi thuê trọ với diện tích chật chật chội vì chi phí sẽ thấp hơn.

Đánh giá về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ,Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng: "Tình trạng thiếu nguồn cung giá rẻ nhưng nhiều dự án lại đang ế thể hiện hệ quả của chính sách bao cấp trong phát triển nhà ở xã hội giá rẻ. Mọi dự án nhà ở xã hội đều do cơ quan nhà nước xét duyệt."

Ông Võ ví dụ: Một nhà ở công nhân tại khu công nghiệp, bắt ở chung nhiều người trong một phòng, dẫn đến sự không phù hợp nhất định. Đồng thời, chất lượng không đảm bảo, thời gian chuyển nhượng lâu.

Như vậy, chính cách thức bao cấp nhà ở xã hội đã làm cho lượng cung không thể tăng và những sản phẩm đang có thì lại ế.Song song vớiđó, đối với nhiều nhà ở thương mại giá rẻ, nhiều nhà đầu tư đang cắt bớt các dịch vụ xung quanh, yêu tố về môi trường, cảnh quan, tăng mật độ xây dựng nhưng chất lượng lại kém. Do vậy, đã không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng chủ đầu tư nên tính một cách hài hòa về mức thu lợi, bỏ ra một chi phí phù hợp để đảm bảo cuộc sống của cư dân. Mặc dù đã có nhiều ý kiến về xã hội hóa phát triển loại hình nhà ở cho công nhân thay vì chỉ trông chờ vào Nhà nước. Song, thực hiện theo mô hình nào để khuyến khích toàn xã hội cùng nghĩ, cùng làm?

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, theo TS.KTS Phạm Đình Tuyển, việc tổng kết đánh giá các mô hình hiện đang thực hiện trong phạm vi toàn quốc là rất cần thiết, để qua đó hoàn thiện mô hình cũ và bổ sung mô hình mới.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình phát triển NƠXH nói chung và nhà ở công nhân KCN nói riêng phải dựa trên công nghệ chiến lược mang tính tổng thể.

Đây không chỉ gồm công nghệ tạo lập và cung cấp một số lượng lớn căn hộ, nhà ở để thay thế nơi ở trong các khu trọ tạm bợ, mà còn phải gồm công nghệ tạo lập và quản lý, là nơi mà những người lao động và gia đình của họ có thể gặp gỡ và nương tựa nhau, hình thành một nơi chốn tích tụ về sức mạnh văn hóa và tinh thần.

"Nhu cầu về NƠXH nói chung hay nhà ở công nhân nói riêng là rất lớn nên không thể chỉ trông chờ vào một số ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cho dù họ có tính chuyên nghiệp.", TS.KTS Phạm Đình Tuyển nhận định.

Do đó, theo ông, cần thiết phải thực hiện cả mô hình phát triển NƠXH dạng phi tập trung – mô hình C, thuộc hình thức phát triển NƠXH theo dự án do doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp sử dụng lao động) và cả người dân tham gia thực hiện. Đây là mô hình cho phép huy động mạnh mẽ hơn nguồn vốn xã hội vào đầu tư xây dựng NƠXH.

Không chỉ dừng lại ở việc giải quyết nhu cầu an cư lạc nghiệp mà sự thiếu hụt này còn là nguồn cơn dẫn đến những vấn đề, tệ nạn xã hội cho thế hệ trẻ. Vì vậy, ngoài biện pháp như một số doanh nghiệp đang làm là hỗ trợ tiền thuê nhà,cần chú trọng giải quyếtmối quan hệ giữa mức thu nhập và chất lượng ở.