23/11/2024 | 06:13 GMT+7, Hà Nội

Người Việt Nam sở hữu sáng chế độc quyền về tế bào gốc

Cập nhật lúc: 22/02/2020, 06:40

Từ thứ được coi là rác thải y tế là cuống rốn, bác sĩ Phan Toàn Thắng đã bỏ nhiều năm miệt mài nghiên cứu và hiện đang nắm giữ bằng độc quyền sáng chế và công nghệ tách chiết tế bào gốc từ màng dây cuống rốn...

Từ thứ được coi là rác thải y tế là cuống rốn, bác sĩ Phan Toàn Thắng đã bỏ nhiều năm miệt mài nghiên cứu và hiện đang nắm giữ bằng độc quyền sáng chế và công nghệ tách chiết tế bào gốc từ màng dây cuống rốn được bảo hộ độc quyền ở 4 Quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát minh để hướng tới mọi đối tượng bệnh nhân

Giáo sư Phan Toàn Thắng là người được biết đến với biệt danh “thầy phù thủy” nổi tiếng toàn thế giới trong lĩnh vực y học có tiềm năng vô cùng lớn: công nghệ tế bào gốc. Ông là người Việt Nam đầu tiên sở hữu bằng độc quyền sáng chế về công nghệ tách chiết tế bào gốc từ màng dây cuống rốn, do Cục Sáng chế và Bảo vệ thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp và được bảo hộ độc quyền sáng chế ở 47 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có nhiều nước với nền y học phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Nhật Bản, Singapore...

Công nghệ này được coi là phát minh đưa tới kỉ nguyên mới cho Y học khi có thể mở ra cơ hội để chữa trị những bệnh nan y và cũng để phục vụ cho ngành thẩm mỹ. Tuy nhiên, để đạt được thành công như hiện tại, nhà khoa học người Việt gặp không ít khó khăn và thậm chí cả những thất bại liên tiếp, đặc biệt là ở khâu hoàn thiện môi trường bảo quản và sát khuẩn dây rốn. Để tập trung tòan lực cho công trình nghiên cứu của mình, ô ng thường xuyên tắt điện thoại, gần như dành toàn bộ thời gian ở trong phòng thí nghiệm.

Giáo sư, Bác sĩ Phan Toàn Thắng (giữa) đang hội chẩn với các đồng sự.

“Động lực của tôi là một nguồn tế bào gốc vừa không đi ngược lại vấn đề y đức, vừa dồi dào, chất lượng, lại phải thuận lợi cho công tác nuôi cấy nhằm giảm thiểu chi phí để mọi bệnh nhân đều có thể dễ dàng tiếp cận”, GS Phan Toàn Thắng chia sẻ.

Theo bác sĩ, Giáo sư Phan Toàn Thắng, đây rốn vốn bị coi là một loại rác y học. Tuy nhiên, nhà khoa học sớm đã phát hiện ra rằng, trong dây rốn có hàng tỷ tế bào gốc mà không cần can thiệp nuôi cấy. Cuống rốn dễ được thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và lưu trữ lại. Mục đích của việc lưu trữ tế bào gốc là phục vụ cho điều trị cho chính người sở hữu dây rốn đó hoặc các thành viên khác trong gia đình khi có vấn đề về sức khỏe. Không những vậy, công nghệ này còn có thể nhân số tế bào gốc đó lên rất nhiều lần.

GS. BS Phan Toàn Thắng tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1991, công tác tại Viện Bỏng quốc gia đến năm 1996 thì chuyển sang làm việc tại Khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Singapore từ năm 1997. Từ năm 2002-2004, ông công tác tại Viện Sinh học tế bào gốc và Y học tái tạo, Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Đây là thời gian ông tập trung hết sức nhằm tìm ra phương pháp tách tế bào gốc từ nhau thai. Năm 2004, GS Phan Toàn Thắng trở về Singapore để mở rộng các thí nghiệm trên cuống rốn và gặt hái thành công vang dội. Công nghệ tách chiết tế bào gốc từ màng dây cuống rốn cũng được ông phát minh trong năm này.

Từ rác y tế tới y học tái tạo công nghệ cao

Công nghệ tế bào gốc được coi là một cuộc cách mạng đối với nền y học hiện đại, mở ra một kỷ nguyên mới về y học tái tạo. Theo các nghiên cứu, cơ thể con người có hơn 200 loại tế bào khác nhau, đều được chuyển hóa từ tế bào gốc. Trước đây, việc nuôi cấy và tìm nguồn tế bào gốc thường rất khó khăn và có chi phí cao. Những giải pháp tách chiết từ phôi thai vừa không phù hợp với y đức, vừa chỉ thu được lượng tế bào gốc rất hạn chế.

Tế bào gốc từ cuống rốn là thứ từng bị coi là “rác y học”, đã đưa tên tuổi GS Phan Toàn Thắng được biết đến trên toàn cầu. Lượng tế bào gốc dồi dào vượt trội so với các phương pháp tách chiết khác đã mở ra những cánh cửa mới trong điều trị các bệnh lão suy, phòng chống lão hóa, chữa các bệnh nan y, mãn tính như ung thư, tiểu đường, Alzheimer, thấp khớp...

Tiến sĩ Stephen Chang (Đại học quốc gia Singapore) cho biết, hiện nay việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc đang được sử dụng nhiều hơn. “Đơn cử, đối với một bệnh khá nghiêm trọng thường gặp là viêm gan B, chúng tôi đã thí nghiệm trên động vật và cho kết quả vô cùng hứa hẹn, men gan phục hồi tốt hơn rất nhiều” – Tiến sỹ Chang cho biết

Trong tương lai không xa, công nghệ tế bào gốc sẽ bùng nổ, thay đổi toàn bộ nền y học thế giới và chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ loài người. Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, việc thu hút nhân tài đã và đang được Chính phủ đặc biệt, tạo điều kiện bằng nhiều cơ chế, chính sách cụ thể. Đối với lĩnh vực y học ở Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc sẽ mang lại những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là trong sản xuất dược phẩm, dịch vụ y tế, công nghệ làm đẹp, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa. Hiện tại, GS. BS Phan Toàn Thắng và các cộng sự đang vận hành một phòng thí nghiệm tại Đại học quốc gia Singapore, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về tế bào gốc.

Năm 2008, từ những công nghệ trong phòng thí nghiệm của GS.BS Phan Toàn Thắng, vợ ông là bà Nguyễn Ngọc Ánh đã sáng lập ra Kencare, một tập đoàn chuyên phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ tế bào gốc. Đến nay, tập đoàn này đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, nổi tiếng với các sản phẩm trị liệu tế bào, tái tạo da, chăm sóc vết thương...

“Chúng tôi đã thành lập Kencare Việt Nam nhằm góp phần xây dựng một ngành công nghiệp sạch dựa trên nền tảng sinh học và y học tái tạo công nghệ cao cho quê hương. Kencare mong muốn biến những công trình nghiên cứu khoa học, bản quyền sở hữu trí tuệ đang sở hữu thành các sản phẩm sinh dược chất lượng cao để phục vụ nhu cầu, lợi ích của nhân dân Việt Nam”, bà Nguyễn Ngọc Ánh nói.