22/01/2025 | 16:50 GMT+7, Hà Nội

Người Việt đang lo lắng nhất về tính ổn định của công việc!

Cập nhật lúc: 03/11/2016, 05:49

Theo báo cáo Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng được công bố bởi Nielsen - Công ty đo lường và thông tin toàn cầu, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vẫn ổn định về sự lạc quan ở mức cao trong quý 3, với 107 điểm (không thay đổi so với quý trước), giúp Việt Nam vẫn là quốc gia thứ 07 lạc quan nhất trên toàn cầu

Báo cáo cũng chỉ ra rằng bốn trong sáu nước Đông Nam Á có chỉ số lạc quan về niềm tin người tiêu dùng và vẫn giữ vững với số điểm trên mốc 100.

Đáng chú ý, người tiêu dùng của khu vực Đông Nam Á vẫn là những người tiêu dùng tự tin nhất trên toàn cầu, đạt 115 điểm (tăng 2 điểm so với quý trước).

Philippines (132 điểm, không đổi so với quý trước) và Indonesia (122 điểm, tăng 3 điểm so với quý vừa qua) là hai quốc gia tự tin nhất đứng thứ hai và thứ ba trên thế giới, theo thứ tự tương ứng.

Thái Lan đã đạt mức tăng lớn nhất trong khu vực với số điểm là 108 điểm (tăng 7 điểm so với quý trước) tiếp theo là Singapore với 94 điểm (tăng 6 điểm so với quý trước).

Chỉ số niềm tin NTD Đông Nam Á

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám Đốc, Nielsen Việt Nam nhận định: "Chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao mặc dù thị trường chỉ đạt mức tăng trưởng vừa phải và còn nhiều biến động đang diễn ra.

Những gì chúng ta đang thấy ở đây không được phản ánh bởi các hoạt động của thị trường mà là những hy vọng và tình cả của người tiêu dùng Việt vào tương lai, phản ánh sự phát triển của tầng lớp trung lưu và triển vọng kinh tế ổn định của chính phủ."

Top 5 mối  quan tâm hàng đầu của NTD Việt Nam

Báo cáo Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng trong quý này cho hay, tính ổn định công việc (47%) dẫn đầu danh sách các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt.

Tiếp đến là sức khỏe (35%) và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống (25%).

Đặc biệt, trong quý này, sức khỏe và hạnh phúc của ba mẹ (21%) lại bất ngờ nổi lên trở thành 1 trong 5 mối quan tâm hàng đầu.

Mối quan tâm khác trong danh sách của quý này chính là tình hình kinh tế (18%)

Điều đáng nói, trong khi gần một nửa số người được hỏi cho rằng quốc gia đang trong tình trạng suy thoái (tăng 1 điểm so với quý trước), thì gần 2 trong 3 người tiêu dùng Việt cho rằng tình trạng tài chính cá nhân ở trạng thái tốt trở lên trong 12 tháng tiếp theo (63%, tăng 2% so với quý trước) và hơn một nửa số người tiêu dùng Việt Nam cũng đang cảm thấy tràn đầy hy vọng về các cơ hội việc làm (57% so với 55% quý trước).

Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng tiếp tục chú trọng vào tương lai của họ; do đó sự bảo đảm về tài chính sẽ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ.

Tính ổn định công việc và triển vọng kinh tế có tác động trực tiếp đến mức độ đảm bảo về tài chính của người tiêu dùng, và điều này lý giải tại sao tính ổn định công việc đã dẫn đầu danh sách những mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam.', bà Quỳnh nhấn mạnh.

 Người Việt Nam sử dụng tiền nhàn rỗi như thế nào?

Người Việt Nam đứng đầu trong danh sách tiết kiệm

Nielsen cũng cho hay, tiết kiệm tiếp tục là một phần không thể thiếu của người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á, với bảy trong mười người được hỏi (70%) để tiền nhàn rỗi của họ vào tiết kiệm.

Người tiêu dùng trong khu vực tiếp tục được liệt kê trong top 10 quốc gia tiết kiệm nhất thế giới với người Việt Nam dẫn đầu danh sách (78%) tiếp theo là Indonesia ở hạng thứ hai (77%).

Malaysia và Singapore được xếp hạng thứ sáu, tương ứng (65%) trong khi người Thái giữ vị trí thứ tám (62%) và Philippines ở mức thứ chín (60%).

Trung bình toàn cầu của người tiêu dùng dành tiền nhàn rỗi vào tiền tiết kiệm là khoản 52%.

Song song với việc gởi tiền vào tiết kiệm, người tiêu dùng Việt Nam cũng háo hức chi tiêu cho các mục lớn để tăng chất lượng cuộc sống.

Cuộc khảo sát cho thấy, sau khi đã trang trải chi phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng hai trong số năm người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi cho các kì nghỉ (39%), quần áo mới (36%), vui chơi giải trí gia đình (32% ), cải thiện/trang trí nhà cửa (31%) và các sản phẩm công nghệ mới (31%).