19/01/2025 | 02:39 GMT+7, Hà Nội

Người tiêu dùng "sống chết mặc bay" với mỹ phẩm rởm đến khi nào?

Cập nhật lúc: 28/07/2015, 03:40

Hàng loạt vụ việc mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng, có chất cấm đang được người tiêu dùng quan tâm trong những ngày qua. Phải chăng lỗi đó không chỉ đơn thuần từ phía doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm "rởm"?

Liên tiếp các vụ mỹ phẩm giả, kém chất lượng

Mỹ phẩm là mặt hàng luôn được các chị em phụ nữ ưu chuộng, đặc biệt trong cuộc sống hiện đại thì nó được quan tâm hơn bao giờ hết. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm cạnh tranh thị trường phục vụ nhu cầu làm đẹp của “một nửa thế giới”.

Tuy nhiên bên cạnh việc cạnh tranh công bằng về giá cả, chất lượng sản phẩm thì niềm tin của phái đẹp đang bị lợi dụng để “lấp đầy túi” cho phía người bán với các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng.

Chỉ tính riêng trong tháng bảy vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng loạt đường dây sản xuất, mua bán vận chuyển mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng tại Việt Nam.

Ngày 9/7, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra 4 địa điểm nghi ngờ sản xuất mỹ phẩm giả ở TP.HCM. Trong đó phát hiện thu giữ hàng ngàn hộp mỹ phẩm giả không có hóa đơn chứng từ, nhái các thương hiệu nổi tiếng được vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam của Công ty mỹ phẩm Huyền Trang và Công ty mỹ phẩm Linh Trang.

Trong hai ngày 15 và 16/7 Công an thuộc hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn thu giữ, tiêu hủy hàng loạt lô hàng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn, giấy tờ liên quan. Tổng giá trị mặt hàng cả 2 vụ việc lên tới gần 160 triệu đồng.

Mỹ phẩm bị thu hồi đang trong quá trình tiêu hủy

Lỗi từ phía ai?

Những sự việc xảy ra như trên lỗi phần nhiều là từ phía các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ham kiếm lời song “không có lửa thì làm sao có khói”?

Mới đây, một trường hợp nữ sinh Vũ Minh Thi tại Hà Nội sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng bị nhiễm độc da, thậm chí sử dụng thuốc chữa trị liều cao có thể bị vô sinh hoặc dị tật thai nhi trong khi nhà sản xuất không có phản hồi bồi thường gây xôn xao công đồng mạng cũng như trên đài truyền hình. Ngay sau đó, hàng loạt trường hợp “đồng cảnh ngộ” lên tiếng...

Khuôn mặt trước và sau khi Vũ Minh Thi dùng mỹ phẩm kém chất lượng

Nguyên nhân chính trong các trường hợp rủi ro khi sử dụng mỹ phẩm phần lớn là do người tiêu dùng ham giá rẻ, không hiểu biết và kiểm tra kỹ lưỡng nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mong muốn làm đẹp “cấp tốc” như: xóa sạch mụn, vết thâm, trắng da, trị nám, dưỡng tóc,…

Trong khi các nhà nghiên cứu luôn cảnh báo các chất cấm trong mỹ phẩm hoặc các chất sử dụng nhiều dẫn đến ung thư, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản,…như: corticoid, paraben, chì,… nhưng dường như những mong muốn làm đẹp nhanh, bất ngờ, ít tốn kém vẫn thu hút phái đẹp.

Kéo theo đó các hãng mỹ phẩm chất lượng, chính hãng cũng bị tụt dốc bởi mỹ phẩm nhái, kém chất lượng. Có lẽ nào chính vì lẽ đó mà một số hãng “vô tình” sử dụng các chất cấm hoặc tiếp tục lưu hành sản phẩm khi đã bị đình chỉ?

Ngày 4/5/2015 Cục Quản lý Dược đã ra Công văn số 7679/QLD-MP và Quyết định số 221/QĐ-QLD về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với 02 sản phẩm mỹ phẩm: Laneige satin finish loose powder và Laneige multi cleanser của Công ty CP Amore Pacific Việt Nam chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, theo khảo sát thị trường hiện nay các sản phẩm này vẫn đang được bày bán ngang nhiên. Đó là một trong nhiều dẫn chứng về việc các Công ty “mặc kệ” quyết định và luật lệ.

Hướng đi nào an toàn cho người tiêu dùng và mỹ phẩm?

Trước tình trạng thật giả lẫn lộn và những lo ngại sức khỏe từ phía người dân, Nhà nước và cơ quan chức năng đã xây dựng các chiến dịch chống buôn lậu, hàng giả trong đó có mặt hàng mỹ phẩm.

Riêng Bộ Y tế, Cục Quản lý dược đang có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các thành phần trong sản phẩm, đưa ra biện pháp xử phạt nghiêm khắc và kêu gọi cơ quan thông tin truyền thông liên tục đưa tin về các chất nguy hiển bị nghiêm cấm lưu hành.

Đồng thời cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên có thói quen xem kỹ thành phần sản phẩm, nhất là những sản phẩm có tác động đến sức khỏe trước khi chọn mua hàng.  Các nhà sản xuất cần phải có kế hoạch chủ động loại trừ các chất cấm ra khỏi sản phẩm của mình và sử dụng các chất bảo quản an toàn.

Có thể thấy, trong “chiến dịch” này cơ quan chức năng đã hết sức nỗ lực chống phá mỹ phẩm giả, kém chất lượng song việc kiểm soát thị trường mỹ phẩm hiện nay vẫn hết sức khó khăn. Mỗi ngày hàng ngàn loại mỹ phẩm vẫn tung ra thị trường bằng nhiều các, không thể nào có thể kiểm soát hết. Tại Việt Nam, xử phạt mới chỉ dừng lại ở mức độ hành chính vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng tìm mọi cách để kiếm lời.

Việc thu hồi, xử phạt và ép chặt luật pháp và phản ánh gay gắt của người tiêu dùng trên cũng là một bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp. Thành bại ở một thương hiệu xuất phát từ việc đem đến chất lượng và lòng tin của người tiêu dùng chứ không nằm ở chuyện gian dối để cạnh tranh.

Vẫn là câu chuyện xoanh quanh vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người dân song điều quan trọng nhất là người dân vẫn phải tự bảo vệ chính mình. Không nên ham giá rẻ, làm đẹp trước mắt mà kéo theo những hệ lụy “tiền mất tật mang”./.

Ngày 13/7, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã ký công điện phát động đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Theo công văn từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, từ ngày 30/7, sẽ áp dụng lộ trình hạn chế lưu hành một số chất bảo quản sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm. 5 loại dẫn chất của paraben gồm: isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben chỉ được phép có mặt trong mỹ phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam trước ngày 30/7 tới.