21/11/2024 | 19:55 GMT+7, Hà Nội

Người tiêu dùng đã ‘chịu chi’ tín hiệu tích cực cho bán lẻ

Cập nhật lúc: 11/10/2023, 09:03

Bất chấp những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt, Việt Nam vẫn đang ngày càng vững vàng vượt qua những “cơn gió ngược”.

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, áp lực về giá suy giảm sẽ tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách tập trung vào tăng trưởng. Thực tế, song hành với những tín hiệu khả quan, tháng sau tích cực hơn tháng trước của nền kinh tế, hai phần ba số doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng rằng tình hình thị trường bán lẻ sẽ phần nào cải thiện hơn trong những tháng cuối năm, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm.

Người tiêu dùng đã ‘chịu chi’ tin hiệu vui cho bán lẻ cuối năm
Kỳ vọng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi tốt hơn trong những tháng cuối năm

Nhận diện khó khăn

Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, dù kinh tế có tăng trưởng nhưng người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề việc làm, thu nhập cũng như đời sống nhiều gia đình vẫn đang rất khó khăn. Điều này ảnh hưởng lớn đến xu hướng, thói quen mua sắm, tiêu dùng mà trước mắt là trong mùa kinh doanh cuối năm nay.

Nhận diện khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt, giới chuyên gia cho rằng có một số khó khăn đáng phải quan tâm hiện nay, đó là: Lượng hàng tồn kho lớn; rủi ro lạm phát gia tăng; biến động tỷ giá; cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành; suy thoái kinh tế toàn cầu; sức mua yếu.

Kết quả khảo sát mới được công bố của Kantar Việt Nam, cho thấy rất nhiều người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập và có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ trên dưới 21%). Gần một nửa số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.

Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, cho biết dù người tiêu dùng đang lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong những tháng tới, cho dịp Tết 2024, nhưng dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu chưa thực sự rõ rệt.

Theo dự báo của Kantar, “thị trường Tết năm nay có sự khó khăn khiến người tiêu dùng sẽ không chi tiêu ào ạt. Như những mùa Tết khác, khoảng 3-4 tuần trước Tết người tiêu dùng mua sắm ồ ạt. Mùa tiêu dùng Tết Nguyên đán 2024 năm nay, dự báo, người tiêu dùng sẽ chi tiêu cầm chừng, mua từ từ sau đó thiếu thì mua thêm”, bà Nga thông tin.

Vẫn biết mùa mua sắm cuối năm sẽ kích thích nhu cầu mua sắm sôi động của người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cải thiện bức tranh kinh doanh và có thể lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Vietnam Report, có tới 1/3 doanh nghiệp cho rằng, dư âm tiêu cực của giai đoạn tiêu thụ yếu và thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn sẽ dai dẳng. Vì vậy, sự phục hồi cần nhiều thời gian hơn và nhiều khả năng sang nửa cuối năm 2024 mới quay trở lại bình thường.

"Câu chuyện sức mua yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự trì trệ của nền kinh tế chưa thể một sớm một chiều được giải quyết và tiếp tục là những mối lo chính của một số doanh nghiệp”, Vietnam Report chia sẻ.

Do đó, để khắc chế những khó khăn hiện tại, giới chuyên gia kinh tế, cho rằng các nhà sản xuất cần nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng để xoay chuyển sản xuất và cách thức kinh doanh ngay trong mùa cuối năm này.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cần suy nghĩ tới việc cân đối danh mục sản phẩm và gia tăng kênh phân phối, đem đến sự cần thiết và tiện lợi cho người mua.

Chi tiêu phục hồi, tín hiệu lạc quan

Vẫn biết còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước đối với các nhà bán lẻ, song một trong những tín hiệu đáng mừng là hiện nay xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng đang cho thấy sự phục hồi trở lại.

Minh chứng rõ nét nhất được nhìn nhận từ việc nhiều khách hàng chen chúc ở các trung tâm điện máy để mong muốn sở hữu điện thoại iPhone 15. Điều này cho thấy một tín hiệu đáng mừng và rất lạc quan với các nhà bán lẻ.

Người tiêu dùng đã ‘chịu chi’ tin hiệu vui cho bán lẻ cuối năm
Người Việt đã mạnh tay chi tiền mua iPhone 15, tín hiệu đáng mừng đối với các nhà bán lẻ

Giám đốc điều hành Công ty Thế Giới Di Động, ông Đoàn Văn Hiểu Em, cho rằng: như trút được gánh nặng về nỗi lo người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, rất khó để bán được những chiếc điện thoại có giá trị cao. Bởi trước đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp này dự báo kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn. “Thế nhưng, từ đây đến tháng 11 chúng tôi sẽ giao 25.000 đơn hàng và bước qua quý I-2024 có thể tăng lên đến 100.000 đơn” - ông Hiểu Em chia sẻ.

Cũng như Thế giới Di động, các nhà bán lẻ công nghệ khác như FPT, Di Động Việt, CellPhone… cũng có doanh số hàng ngàn điện thoại iPhone thế hệ mới nhất được bán ra trong thời gian ngắn.

Nhận định từ các chuyên gia của VNDirect, việc người tiêu dùng đổ xô đến các cửa hàng bán lẻ để mua điện thoại đời mới cho thấy tín hiệu tích cực về sự tăng trưởng lạc quan của nền kinh tế.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế S&P Global Market Intelligence, trong tháng 9, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt gần 50 điểm. Các công ty tiếp tục ghi nhận nhu cầu tiêu dùng tăng khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh mẽ.

Trong khi đó, phần lớn các nhà bán lẻ cũng đang đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng tốt hơn trong những tháng còn lại của năm cũng như trong thời gian tới. Đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế khi sự quyết liệt của Chính phủ trong việc điều hành và kịp thời đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự khó khăn kinh tế trong nửa đầu năm 2023 đến từ sức ép tồn kho lớn từ các nước Mỹ và châu Âu khiến các nước này giảm đặt hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện đơn hàng đã bắt đầu gia tăng trở lại, cũng như các chính sách tích cực của Chính phủ trong việc hỗ trợ cho nền kinh tế đang giúp cộng đồng doanh nghiệp có sức tăng trưởng tốt hơn trong thời gian còn lại của năm 2023.

Có thể thấy, sau thời gian trầm lắng, các mặt hàng tiêu dùng như công nghệ đã dần hồi sinh, cùng với một số mặt hàng ít thiết yếu như đồ gia dụng, may mặc... cũng đang "bật" tăng trở lại đã kéo theo hy vọng về sự mở đầu cho thời kỳ phục hồi chi tiêu của người dân.

Theo đó, các hãng nghiên cứu đang rất kỳ vọng vào tương lai của ngành bán lẻ, mà sớm nhất là trong nửa cuối năm này, dựa trên dự báo về tình hình kinh tế khả quan hơn. Cụ thể, Công ty Chứng khoán ACB, cho rằng chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ cải thiện nhờ lãi suất đã có điều chỉnh giảm có thể khôi phục hoạt động tài chính tiêu dùng, thuế VAT giảm và các biện pháp của chính phủ nhằm giải quyết một số vướng mắc của lĩnh vực bất động sản và tài chính cũng sẽ là lực đẩy cho thị trường dịp cuối năm.

Ngoài những yếu tố tích cực trong nước, giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự trở lại của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ giúp ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.

 

 

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/nguoi-tieu-dung-da-chiu-chi-tin-hieu-tich-cuc-cho-ban-le-110381.html