24/11/2024 | 03:15 GMT+7, Hà Nội

Người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội

Cập nhật lúc: 23/11/2022, 13:10

Nhu cầu được có nhà ở của người thu nhập thấp và cán bộ công chức rất lớn nhưng thực tế thì nguồn cung còn nhiều hạn chế.

Thị trường thiếu trầm trọng nhà ở bình dân

Nghịch lý vẫn đang diễn ra, khi phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa, trong khi phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá rẻ cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại ngày càng vắng bóng, và thậm chí biến mất trên thị trường nhà ở.

Thị trường thiếu trầm trọng nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn, nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân, người lao động thu nhập thấp. Năm 2020, nhà ở xã hội chỉ chiếm 1%, con số này hầu như biến mất khỏi thị trường vào 6 tháng đầu năm 2022, trong khi căn hộ cao cấp chiếm đến 80,1%.

Nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá rẻ cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại ngày càng vắng bóng, và thậm chí biến mất trên thị trường nhà ở. (Ảnh minh họa)
Nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá rẻ cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại ngày càng vắng bóng, và thậm chí biến mất trên thị trường nhà ở. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Bình Dương là địa phương đi đầu trong phát triển mô hình nhà ở xã hội (NƠXH), đưa vào sử dụng hàng chục nghìn căn hộ nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Người dân nơi đây cho rằng, ngoài việc thiếu NƠXH thì đối tượng tiếp cận bị hạn hẹp.

Cử tri ở Bình Dương phản ánh về tình trạng công nhân, người lao động có thu nhập thấp khó tiếp cận việc mua NƠXH để an cư. “Có một thực tế đang diễn ra là nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng diện này lại khó tiếp cận. Cháu tôi làm giáo viên, đang ở trọ, nộp hồ sơ hai lần để mua NƠXH nhưng đến nay vẫn chưa mua được. Họ bắt phải chứng minh thu nhập, phải có xác nhận chưa có nhà ở cả quê quán và nơi tạm trú. Tuy nhiên, để được xác nhận không dễ, dẫn đến nản lòng và bỏ cuộc”, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết.

Anh H (quê Hà Nam) đang làm nhân viên văn phòng ở Bình Dương cho biết, vợ chồng vừa mới cưới và ở NƠXH Hòa Lợi (thành phố Thủ Dầu Một). “Thấy bạn bè đăng ký mua NƠXH khó khăn quá, tôi quyết định mua lại nhà theo diện này từ người khác. Giá gốc căn nhà khoảng 180 triệu đồng, nhưng họ bán lại 250 triệu đồng tôi vẫn mua. Tôi cần có nhà để chuyển đổi thường trú, tiện cho con học hành sau này, nếu cứ chờ đăng ký không biết đến khi nào mới có nhà để ở”.

Đơn giản hóa các thủ tục để người dân có nơi an cư lạc nghiệp

Thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho hay, căn cứ suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở và diện tích tăng thêm của các loại nhà ở trong năm 2022, nhu cầu nguồn vốn đầu tư nhà ở toàn tỉnh này cần hơn 22.000 tỷ đồng.

Theo ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, tới đây địa phương sẽ xây thêm 1 triệu căn NƠXH để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, theo ông Ngân để hoàn thành 1 triệu căn NƠXH, kiến nghị cấp thẩm quyền có quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, như quy định phải dành diện tích nhất định xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động.

Địa phương đã đưa vào sử dụng 25 dự án NƠXH độc lập trên diện tích 140 ha đất với gần 1,4 triệu m 2 sàn xây dựng, cung cấp trên 34.000 căn NƠXH. Thời gian qua người dân cho rằng khó tiếp cận NƠXH, nộp hồ sơ bị trả lại do chưa đáp ứng đủ các điều kiện. Do đó, cần mở rộng đối tượng mua, đơn giản hóa các thủ tục để mọi người dân ai cũng có nơi an cư lạc nghiệp, ông Ngân cho hay

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết thêm, đã kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế riêng đối với trình tự, thủ tục thực hiện dự án phát triển NƠXH nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia. Làm rõ quy trình tuyển chọn nhà đầu tư dự án xây dựng NƠXH, trong Luật Nhà ở; Bổ sung cơ chế Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án. Đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội.

Cùng với đó, Bình Dương kiến nghị đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư nhanh chóng triển khai dự án và đưa vào sử dụng. Có cơ chế khuyến khích (về đất đai, tài chính, xây dựng...) đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê (nhà trọ) theo mô hình nhà ở xã hội, để nâng cao chất lượng nhà ở cho thuê, phục vụ tốt hơn chất lượng sống cho người lao động.

Mặt khác, Sở Xây dựng Bình Dương kiến nghị bán NƠXH cho đối tượng là tổ chức doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp để mua nhằm hỗ trợ nhà ở cho người lao động thay vì chỉ được bán cho cá nhân thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH; Rút gọn các thủ tục hành chính, thời gian phê duyệt dự án và xây dựng các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng.

Về việc cho vay để mua nhà ở xã hội, trước đó, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Bùi Văn Sổn cho hay, nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội tại thành phố rất lớn trong khi nguồn cung lại hạn chế, chưa đáp ứng đủ. Nguyên nhân là do một số dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ hoặc tạm ngưng vì đại dịch Covid-19 vừa qua. Bên cạnh đó, khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội. Việc xác nhận người mua nhà ở xã hội chưa có nhà tại địa phương cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, mức vay hiện là 500 triệu đồng trong khi giá nhà xã hội nay đã hơn 1 tỷ đồng nên nhiều người khó tiếp cận vay mua nhà.

Trên thực tế, người dân vẫn mong nhà ở xã hội như nắng hạn mong mưa. Vẫn còn rất nhiều người dân đang ngóng chờ tới lượt mình được “đổi đời”, an cư lạc nghiệp. Nhưng liệu các nút thắt đã nêu lên trong nhiều năm qua có được gỡ bỏ để người lao động có nhu cầu nhanh chóng được tiếp cận nhà ở xã hội hay không là vấn đề cần đặt ra.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nguoi-thu-nhap-thap-kho-tiep-can-nha-o-xa-hoi-73667.html