22/11/2024 | 06:52 GMT+7, Hà Nội

Người lao động Việt và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Cập nhật lúc: 18/08/2019, 14:00

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo vệ quyền lợi của NLĐđược đặc biệt coi trọng. Vì vậy, việc Việt Nam đưa nội dung cam kết về lao động vào các FTA được các chuyên gia nhận định là xu thế tất yếu?

Với việc Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14-1 và việc ký kết EVFTA và IPA với EU ngày 30-6, có thể khẳng định năm 2019 đánh dấu một giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đi cùng với đó cũng là các thách thức

Theo nhiều nghiên cứu, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025; GDP của EU ước tính sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng 29% vào năm 2035. Như vậy, EVFTA và EVIPA mang lại những lợi ích kinh tế rất cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, DN và người dân của cả hai bên.

Theo đánh giá của EU, EVFTA là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà EU từng thỏa thuận với một quốc gia đang phát triển. Việc ký kết Hiệp định khẳng định lợi ích chung của Việt Nam và EU trong việc cùng đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ. Với việc ký kết EVFTA, EU đã ký và triển khai FTA với 4 quốc gia châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam, qua đó, tạo cơ sở để đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế liên khu vực Á – Âu và hợp tác ASEAN – EU.

nguoi lao dong viet va co hoi tu cac hiep dinh thuong mai tu do the he moi
Quyền lợi của người lao động sẽ được nâng lên theo tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại tự do chúng ta mới ký kết. Ảnh minh họa

Dấu mốc mới chứa đựng những cơ hội hợp tác to lớn song cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực chung. Với 16 FTA đã thực thi, đang đàm phán và chuẩn bị phê chuẩn, Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới kết nối FTA sâu rộng và toàn diện chiếm 59% dân số thế giới, 61% GDP và 68% thương mại toàn cầu, góp phần tăng đan xen lợi ích với hầu hết các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. Thứ hai, từ năm 2019, chúng ta bước vào giai đoạn thực thi các cam kết kinh tế quốc tế then chốt, trong đó có những FTA "thế hệ mới".

Việt Nam nằm trong nhóm nước đầu tiên triển khai Hiệp định CPTPP – FTA "thế hệ mới" có quy mô cam kết rộng và tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay mà nước ta tham gia, mở ra thị trường 10 nghìn tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp lý đồng bộ và toàn diện với tầm nhìn dài hạn nhằm triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế. Cần nâng cao năng lực hội nhập và liên kết kinh tế, đặc biệt các địa phương, DN cần quyết liệt vào cuộc, chủ động nắm bắt thông tin về các cam kết của Việt Nam, ưu đãi thuế quan đối với các mặt hàng có thế mạnh….

Vấn đề tiêu chuẩn lao động và vấn đề môi trường đã từng được đưa ra khỏi Chương trình nghị sự thương mại toàn cầu kể từ Hội nghị Seattle của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1999, bởi các nước đang phát triển lúc đó tỏ ra nghi ngại rằng liệu đây có phải là những “hàng rào bảo hộ mới”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm trong thương mại quốc tế, nên trước hết họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản.

Đây là cách tiếp cận của các FTA thế hệ mới và đang trở thành một xu thế trong những năm gần đây trên thế giới. Nếu như vào thời điểm thành lập WTO năm 1995, chỉ có 4 FTA có nội dung về lao động, thì đến tháng 9/2016, đã có 79 FTA có nội dung về lao động.

Việc đưa nội dung về lao động vào các FTA còn nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Nếu một nước duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và các điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng thì được cho là sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn so với nước thực hiện những tiêu chuẩn lao động cao, dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng dựa trên “quyền lao động rẻ”.

Việc tham gia CPTPP và EVFTA cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tạo cơ hội thúc đẩy kinh tế đối ngoại, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời thể hiện sự chủ động tham gia và góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại quốc tế đa phương, mở, dựa trên luật lệ.

Các DN Việt cần chú ý đến các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới để tránh những rủi ro không đáng có. Bởi theo các cam kết, nếu một nước nào duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng thì được cho là có chi phí sản xuất thấp hơn các nước thực hiện tiêu chuẩn lao động cao.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bắt buộc bên tham gia thực hiện quyền tự do liên kết và thương lượng; xóa bỏ lao động cưỡng chế, bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động. Do vậy, các DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày phải chú ý đến vấn đề này.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có kế hoạch sửa đổi pháp luật lao động cho tương thích với các FTA thế hệ mới. Song song với đó là hướng dẫn và tạo điều kiện cho DN thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy định về rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu; hỗ trợ DN xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý lao động theo chuẩn quốc tế và phải thích nghi với những tiêu chuẩn của thị trường đối tác…

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-lao-dong-viet-va-co-hoi-tu-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-159212.html