20/01/2025 | 02:50 GMT+7, Hà Nội

Ngôi nhà xanh: Từ xây dựng đến sử dụng

Cập nhật lúc: 30/06/2019, 07:00

Làm gì để vận hành một ngôi nhà “xanh” hiệu quả, và lợi ích khi sống trong một công trình xanh là gì?

KTS Vũ Linh Quang, thành viên Ban điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Giám đốc Điều hành ARDOR Architects đã chia sẻ cụ thể về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc phát triển công trình xanh (CTX) tại Việt Nam hiện nay?

KTS Vũ Linh Quang: So với cách đây 5 năm, công trình xanh tại Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể cả về số lượng và chất lượng.

Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, số lượng công trình xanh LOTUS đã tăng lên gấp đôi, từ 22 dự án trong năm 2016 lên 50 dự án trong năm 2018. Nếu tính cả các công trình xanh LEED thì con số này tăng trưởng gần 3 lần.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một tin đáng mừng là chúng ta đã có những công trình trường mẫu giáo, trường liên cấp và nhà ở xanh trong năm 2019 này.

Như vậy, vấn đề quan trọng nhất là thị trường bất động sản đã phản ứng tích cực với rất nhiều công trình, dự án gia tăng diện tích mảng xanh, sử dụng các chủng loại vật tư xây dựng, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng và bền vững với môi trường.

Tuy nhiên, công trình xanh vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng khi chưa xây dựng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế rõ ràng, hay những chính sách khuyến khích các dự án mật độ xây dựng thấp. Chi phí xây dựng công trình xanh còn được nhìn nhận là tốn kém, mặc dù phần lớn chi phí gia tăng có thể hoàn vốn trong vài năm sử dụng công trình thông qua việc tiết kiệm điện, nước và gia tăng năng suất lao động.

Tôi hy vọng trong vài năm tới, khi có được những chính sách khuyến khích từ phía chính quyền địa phương, số lượng công trình xanh sẽ tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là các công trình thương mại và nhà ở.

PV: Các vật liệu để xây dựng CTX và các thiết bị tiết kiệm năng lượng sử dụng trong CTX thường có giá cao hơn các sản phẩm thông thường. Vậy vì sao CTX lại được khuyến khích phát triển, thưa ông?

KTS Vũ Linh Quang: Khi đánh giá chi phí, chúng ta phải tính cả việc hoàn vốn cho các giải pháp, tiêu chí công trình xanh.

KTS Vũ Linh Quang

KTS Vũ Linh Quang

Phần lớn các khoản đầu tư vào CTX có thể thu hồi được vốn trong khoảng 5 - 8 năm, thông qua việc cắt giảm hóa đơn tiền điện, tiền nước, chi phí duy tu bảo dưỡng và quan trọng nhất là sức khỏe và năng suất lao động của con người.

Công trình xanh đang hướng đến việc cải thiện sức khỏe, đặc biệt là cho các công trình văn phòng, do chi phí nhân sự luôn cao gấp nhiều lần chi phí xây dựng và vận hành công trình trong cả vòng đời sử dụng. Trung bình đối với tòa nhà văn phòng, chi phí năng lượng chiếm 1%, chi phí vận hành chiếm 9%, thì chi phí lương chiếm đến 90%.

Đây cũng là lý do tại sao mặc dù đầu tư xây dựng công trình xanh có thể tốn chi phí cao hơn nhưng trên thế giới vẫn có 76 Hội đồng công trình xanh nhằm khuyến khích việc áp dụng, và riêng chứng chỉ LEED đã có đến trên 90.000 công trình đạt chuẩn.

Riêng tại Việt Nam, tổng diện tích các công trình dự án theo chứng chỉ EDGE đã đạt 1,4 triệu mét vuông sàn xây dựng, cao nhất thế giới, tính đến thời điểm đầu năm 2019.

PV: Hiện trên thị trường có những yếu tố phụ trợ nào cho CTX thưa ông?

KTS Vũ Linh Quang: Vài năm qua đã có rất nhiều chủng loại vật liệu đa dạng, trang thiết bị công nghệ cao và nhiều phần mềm hỗ trợ việc thiết kế công trình xanh. Đây là tín hiệu đáng mừng do đã có nguồn cầu từ phía người sử dụng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm chi phí vận hành.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các đơn vị sản xuất vật liệu trong nước đã bắt đầu xây dựng nhà máy đạt chuẩn công trình xanh, áp dụng theo các tiêu chí xanh cho sản phẩm, và có truyền thông rõ ràng về lợi ích mang lại cho người sử dụng. Các trang thiết bị đã có dán nhãn năng lượng, ghi rõ hơn thông số kỹ thuật và chi phí tiết kiệm điện năng, tuổi thọ sản phẩm.

Công tác tư vấn thiết kế công trình xanh đã và đang được đưa vào các giáo trình giảng dạy đại học, các công cụ tính toán, mô phỏng cũng dần trở nên quen thuộc với các nhà chuyên môn và ban quản lý dự án.

PV: Ông có lời khuyên nào cho các gia đình đang có ý định xây dựng ngôi nhà “xanh” để chúng thực sự đạt hiệu quả tối ưu?

KTS Vũ Linh Quang: Đầu tiên là việc áp dụng ngôi nhà xanh phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và am hiểu của chủ nhà. Vì nếu không cân nhắc đến thời gian hoàn vốn, tiết kiệm hóa đơn tiền điện, tiền nước, chi phí bảo dưỡng hằng tháng và sức khỏe của người sử dụng thì có thể việc đầu tư ngôi nhà xanh sẽ là sự lãng phí. Phần lớn các chủng loại vật liệu, trang thiết bị sẽ đắt hơn, đòi hỏi nhiều thời gian công sức tư vấn thiết kế hơn.

Thứ hai là nên xem xét các ý kiến tư vấn của các nhà thiết kế chuyên môn, vì hiện tại thị trường rất đa dạng các chủng loại vật liệu, trang thiết bị, giá cả lại chênh lệch rất nhiều. Tùy theo công năng, nhu cầu, tần suất sử dụng mà nên chọn chủng loại phù hợp với ngân sách đầu tư.

Cuối cùng là ngôi nhà xanh, cũng như bất kỳ một sản phẩm nào khác, để đạt được hiệu quả sử dụng tối ưu thì cách thức sử dụng là rất quan trọng. Chúng ta luôn cần có kiến thức và ý thức trong việc sử dụng để ngôi nhà vận hành tiết kiệm, hiệu quả bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/ngoi-nha-xanh-tu-xay-dung-den-su-dung-37091.html