22/11/2024 | 07:10 GMT+7, Hà Nội

Ngoài tắm khuya, còn thói quen nào khiến chúng ta dễ bị đột quỵ như trường hợp diễn viên hài Anh Vũ?

Cập nhật lúc: 04/04/2019, 16:12

Đột quỵ phần lớn xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp người trẻ bị đột quỵ cũng không phải là hiếm. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày.

Theo các chuyên gia, đột quỵ phần lớn gặp ở người cao tuổi nhưng những người trẻ cũng có nguy cơ gặp phải. Có những bạn trẻ 20 tuổi đã bị đột quỵ, thậm chí còn bị sớm hơn. Đột quỵ ở người trẻ thường diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao.

Trên thực tế, việc tắm vào đêm muộn đã được cảnh báo là tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Bởi lẽ, đêm khuya nhiệt độ xuống thấp, nếu tắm, nhất là tắm nước lạnh sẽ khiến cơ thể có phản xạ, bị co thắt các mạch máu gây nên cơn tai biến, đau tim đột ngột và nặng nhất là gây đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng.

Người nhà diễn viên Anh Vũ cho biết, nam diễn viên đi diễn về khuya nhưng vẫn tắm và bị đột quỵ. Ảnh TL

Người nhà diễn viên Anh Vũ cho biết, nam diễn viên đi diễn về khuya nhưng vẫn tắm và bị đột quỵ. Ảnh TL

Ngoài việc tắm khuya, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, lối sống thiếu khoa học, lười vận động, thích ăn gì thì ăn, uống gì thì uống, không chịu "lắng nghe" cơ thể của mình... cũng là những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ, nhất là ở những người trẻ - thế hệ hay tự tin vào sức khỏe của mình.

Một số "thủ phạm" chính có thể gây đột quỵ như:

Hút thuốc lá

Đây là thói quen khá phổ biến ở nam giới và gần đây có xu hưởng mở rộng hơn ở các phụ nữ trẻ. Thói quen hút thuốc lá là một trong những nguy cơ cao làm tổn thương mạch máu, có thể hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo nghiên cứu, những người hút thuốc là ít hơn 11 điếu trong một ngày có khả năng bị đột quỵ cao hơn 46% so với những người không hút. Khi hút 2 gói thuốc một ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần.

Uống nhiều nước tăng lực và các chất kích thích

Theo các chuyên gia, một lon thức uống năng lượng (nước tăng lực) có dung tích 300 ml giúp bổ sung nhiều khoáng chất tốt và không gây tác hại đáng kể. Tuy nhiên, uống nhiều hơn 2 lon một ngày sẽ gây áp lực lên động mạch, tăng lượng đường trong máu, chóng mặt, bồn chồn, co giật, thậm chí đột quỵ vô cùng nguy hiểm.

Trên thực tế, các bác sĩ đã gặp một số ca bệnh bị đột quỵ sau khi uống nước tăng lực. Một số người có thể sẽ bị phản ứng ngay, khó thở, mệt mỏi, suy kiệt dẫn đến đột quỵ nhưng nguy hiểm là hầu hết các lại nước tăng lực này tích tụ theo thời gian. Tùy theo cơ địa mỗi người mà có người vài tháng, hoặc vài năm mới phát bệnh.

Thường xuyên thức khuya

Đây là một trong những thói quen phổ biến ở người trẻ tuổi. Việc thức khuya và kéo dài nhiều đêm có thể làm kích thích và tổn thương mạch máu.

Khi thức quá khuya hoặc tâm trạng quá căng thẳng, lo lắng, áp lực, các hormone trong mạch máu có thể khiến cảm xúc bùng phát, chúng sẽ tiếp tục tiết ra các chất adrenaline và kích thích tố khác, có thể gây ra bất thường trong mạch máu và gây đột quỵ

Tiếp xúc với các thiết bị điện tử hàng giờ đồng hồ liên tục

Ngồi hoặc nằm nhìn chằm chằm vào điện thoại di động hay các thiết bị điện tử trong một thời gian dài có thể làm nén các mạch máu ở cổ gây ra tình trạng ứ đọng mạch máu và có thể hình thành các cục máu đông. Nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra, sẽ gia tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Ăn quá nhiều thịt động vật

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, hiện nay chúng ta đang ăn quá nhiều thịt động vật, trung bình lên tới 85g/người/ngày. Trong khi đó, mức tiêu thụ rau xanh trong 30 năm qua không hề tăng lên, thậm chí giảm 10% nên lượng tiêu thụ rau của người Việt mới đạt được một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh béo phì và gia tăng bệnh huyết áp, tim mạch (yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ).

Để phòng bệnh đột quỵ, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, trước hết phải phòng ngừa các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Theo đó cần chú ý:

- Những người mắc chứng tăng huyết áp, mỡ máu hoặc bệnh tim mạch cần lưu ý kiểm soát được cân nặng, không để tăng cân quá nhanh.

- Không được bỏ bữa, tránh tình trạng ăn no dồn đói góp. Bữa ăn dồn thường làm cho đường máu tăng quá cao dẫn tới tích lũy mỡ nhiều.

- Cần tăng yếu tố bảo vệ như ăn rau mỗi ngày (ưu tiên rau lá màu xanh đậm), ăn nhiều quả chín…

- Không nên ăn mặn, chỉ nên ăn dưới 5g muối/người/ngày.

- Tăng cường vận động thể lực để giải tỏa stress căng thẳng.

- Tránh thức khuya và dùng quá nhiều thiết bị điện tử.

- Hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác...

N.Mai