19/01/2025 | 07:13 GMT+7, Hà Nội

Ngộ độc rượu: Những điều cần biết

Cập nhật lúc: 20/01/2019, 07:00

Người bị ngộ độc rượu, say rượu hay có rối loạn hành vi hoặc các hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh khi điều khiển máy móc hoặc lái xe.

Ngộ độc rượu: Những điều cần biết 0

1. Khái niệm về nghiện rượu

Uống rượu với số lượng lớn trong một thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nghiện rượu là nhu cầu thèm muốn, đòi hỏi thường xuyên đồ uống có cồn, hình thành thói quen, gây rối loạn nhân cách, giảm khả năng lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngày nay, hầu hết các tác giả đều sử dụng tiêu chuẩn sau để xác định nghiện rượu:

- Uống rượu hàng ngày trong thời gian từ 10 năm trở lên.

- Mỗi ngày uống tối thiểu 300ml rượu 40 độ cồn.

2. Triệu chứng của ngộ độc rượu

Tiêu chuẩn của ngộ độc rượu là bệnh nhân vừa uống một lượng rượu lớn, gây rối loạn hành vi. Người ta định lượng nồng độ rượu trong máu để xác định mức độ ngộ độc rượu.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, rượu không gây ra hưng phấn cho người uống mà gây ra giảm khả năng ức chế. Vì vậy khi uống một lượng rượu nhỏ, người uống giảm khả năng tự phê phán, giảm khả năng kiềm chế, các phản xạ liên quan đến mắt và tai đều giảm rõ rệt.

Vì vậy, người say rượu hay có rối loạn hành vi hoặc các hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh khi điều khiển máy móc hoặc lái xe.

Với nồng độ rượu từ 80-100mg rượu trong 100ml máu được coi là ngộ độc rượu và không đủ năng lực để lái xe. Ngay ở nồng độ cồn trong máu rất thấp, chỉ 10-20mg rượu trong100ml máu đã gây thay đổi hành vi rõ ràng, vận động chậm chạp, giảm khả năng suy nghĩ.

Nồng độ cồn trong máu từ 100mg đến 200mg trong 100ml máu gây rối loạn phối hợp động tác, giảm khả năng quyết định, nặng hơn có thể gây thất điều, cảm xúc không ổn định và rối loạn định hướng trầm trọng.

Một số người không bị rối loạn vận động và tâm thần rõ ràng khi có nồng độ cồn trong máu là 150mg trong 100ml máu vì họ là người đã có khả năng dung nạp với rượu rất cao. Ở những người khác, khi có nồng độ cồn trong máu ở mức độ này họ sẽ buồn nôn và nôn.

Ở nồng độ cồn máu là 200-300mg/100ml máu, bệnh nhân sẽ nói líu lưỡi, quên ngược chiều.

Nồng độ rượu cao hơn sẽ khiến bệnh nhân bị mất trí nhớ. Khi nồng độ cồn máu đạt đến 400mg/100ml bệnh nhân sẽ bị ức chế hô hấp, hôn mê và có thể gây tử vong.

Với nồng độ rượu trong máu trên 500mg/100ml thì gây tử vong cho hầu hết người bệnh.

Tử vong do ngộ độc rượu chủ yếu là do ức chế trung khu hô hấp ở hành não, khiến cho bệnh nhân thở chậm, thông khí kém, dẫn đến thiếu ô xy cho não và các cơ quan khác trong cơ thể.

Ngộ độc rượu: Những điều cần biết 1

3. Các bệnh phối hợp trong nghiện rượu

Loét dạ dày, hành tá tràng gặp ở 15% số người nghiện rượu. Xơ gan và viêm tụy cũng có tỷ lệ tương tự ở các bệnh nhân này. Người nghiện rượu có tỷ lệ cao bị ung thư thực quản, dạ dày hoặc các phần khác của ống tiêu hóa.

Một số bệnh rất phổ biến ở người nghiện rượu là cao huyết áp và đái tháo đường. Thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim ít gặp hơn nhưng cũng không hiếm ở bệnh nhân nghiện rượu. Uống rượu nhiều làm tăng Triglycerit và cholesterol nhẹ trong máu, do vậy tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Tổn thương thần kinh ngoại vi do rượu gây giảm cảm giác, yếu cơ hoặc liệt cơ. Uống rượu nhiều còn gây tổn thương thần kinh trung ương với biểu hiện teo não, giảm khả năng nhận thức, rối loạn trí nhớ.

Uống rượu nhiều còn gây tăng tỷ lệ tự sát ở bệnh nhân. Người nghiện rượu sẽ bị trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Chính các rối loạn này dẫn bệnh nhân đến các hành vi tự sát.

4. Tiêu chuẩn chẩn đoán cho nghiện rượu theo DSM-5 

 

Uống rượu nhiều dẫn đến các triệu chứng lâm sàng hoặc các khó chịu rõ ràng, có ít nhất 2 triệu chứng trong số các triệu chứng sau, biểu hiện trong thời gian ít nhất 12 tháng:

1. Thường xuyên uống rượu số lượng lớn trong thời gian dài.

2. Thèm rượu bền vững và không bỏ được rượu.

3. Tiêu tốn rất nhiều thời gian cho việc uống rượu.

4. Thèm rượu mãnh liệt.

5. Bệnh nhân không hoàn thành được các công việc ở cơ quan, ở nhà.

6. Tiếp tục uống rượu mặc dù việc uống rượu đã gây ra các bệnh cho cơ thể, gây hậu quả xấu trong quan hệ xã hội, quan hệ với mọi người.

5. Điều trị say rượu

Các biện pháp đơn giản như gây nôn cho bệnh nhân có thể hữu ích trong cấp cứu ngộ độc rượu vì chúng giúp đào thải một lượng lớn rượu còn trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu thời gian lâu tính từ lúc uống thì biện pháp này ít kết quả vì rượu đã được hấp thụ vào máu.

Bệnh nhân nghiện rượu sẽ được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

- Với trường hợp nồng độ rượu trong máu dưới 200mg/100ml máu, chỉ cần cố định bệnh nhân tại giường, cho uống nhiều nước (chè đường nóng), sau vài giờ, bệnh nhân sẽ tự hồi phục.

- Với trường hợp nồng độ rượu từ 200-300mg/100ml máu, ngoài việc cố định bệnh nhân tại giường, cần cho thêm 100-200mg Vitamin B1 tiêm bắp. Có thể truyền Glucoza 5% hoặc 10% cho bệnh nhân.

Nên rửa dạ dày cho bệnh nhân để loại trừ phần rượu còn trong ống tiêu hóa. Cần theo dõi bệnh nhân về nhịp thở, mạch và huyết áp. Không nên để bệnh nhân ngủ sâu (thường xuyên đánh thức bệnh nhân) để họ khỏi “quên thở”.

- Với trường hợp nồng độ rượu nồng độ rượu trong máu trên 300mg/100ml máu, ngoài xử lý như trên, bệnh nhân nên được đặt Monitor theo

dõi. Các trường hợp có biểu hiện suy hô hấp, bệnh nhân cần được đặt nội khí quản và thở máy

Lưu ý:

- Không dùng thuốc bình thần, an thần và thuốc ngủ cho bệnh nhân vì sẽ gây tăng nguy cơ suy hô hấp.

- Có thể cho bệnh nhân uống cà phê bằng cách bơm qua Sonde dạ dày. Chất Cafein trong cà phê có tác dụng kích thích hô hấp, chống hiện tượng ngủ “quên thở” của bệnh nhân.

6. Dự phòng

Phương pháp dùng Naltrexone

Rượu vào cơ thể được chuyển hóa qua nhiều giai đoạn với nhiều chất trung gian chuyển hóa khác nhau. Các chất này liên kết với Monoamin ở não để có tác dụng giống Morphin, vì thế khi chúng gắn lên các thụ cảm thể Morphin trong não sẽ tạo ra sảng khoái cho bệnh nhân.

Chính các cảm giác sảng khoái do chất này tạo ra khiến bệnh nhân thích uống rượu, uống ngày càng thường xuyên và số lượng ngày càng tăng.

Khi chúng ta dùng Naltrexone điều trị cho bệnh nhân nghiện rượu, các thụ cảm thể Morphin trên não sẽ bị Naltrexone ức chế.

Do vậy bệnh nhân sẽ không còn cảm giác sảng khoái khi uống rượu, bệnh nhân sẽ giảm dần lượng rượu uống và có thể bỏ hẳn rượu.

Tác giả: PGS.TS Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, BV quân y 103