18/01/2025 | 17:48 GMT+7, Hà Nội

Ngộ độc ốc biển mùa du lịch: Ăn ốc thế nào để phòng tránh?

Cập nhật lúc: 06/07/2019, 09:21

Nếu ăn ốc biển kiểu này, bạn có thể bị ngộ độc, rơi vào hôn mê, nguy hiểm tính mạng chỉ sau 30 phút hoặc vài giờ đồng hồ.

Dấu hiệu bị ngộ độc

Ốc biển là động vật thân mềm, nhiều loài được dùng làm thực phẩm, nhưng một số loài có thể gây ngộ độc nặng cho người ăn, diễn biến nguy kịch.

Có một số loài ốc biển bình thường không hề gây ngộ độc cho người ăn, mà “đột nhiên” trở nên độc do chúng ăn phải các loài tảo độc và tích lũy trong cơ thể hoặc có khi không rõ nguyên nhân.

Độc tố trong ốc biển độc tùy từng loài, có 2 loại chính là Saxitoxin và Tetrodotoxin - thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên độc tố không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý, chế biến kể cả ở nhiệt độ cao độc tố vẫn tồn tại và gây ra độc trong thức ăn đã xào nấu, đóng hộp và cấp đông.

 

Ốc hương xào. Ảnh minh họa.

Ốc hương xào. Ảnh minh họa.

Triệu chứng ngộ độc cấp tính xảy ra sau khi ăn trong vòng 20 phút đến 3 giờ.

Dấu hiệu xuất hiện sớm như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi; biểu hiện tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn, nôn mửa dữ dội…); biểu hiện hội chứng thần kinh (tê, rát bỏng lan dần đến chân tay, kèm đau đầu, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, liệt, chóng mặt, rối loạn ý thức, hôn mê…); hội chứng hô hấp (khó thở, hô hấp nhanh, nông và ngưng thở…). Bệnh nhân suy hô hấp cấp, trụy tim mạch và dẫn đến tử vong chỉ sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố Tetrodotoxin và Saxitoxin.

Biện pháp cấp cứu, điều trị hữu hiệu nhất là kích thích cho bệnh nhân nôn (nôn càng sớm, càng nhiều càng tốt); rửa dạ dày; uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc; điều trị triệu chứng kịp thời: hỗ trợ hô hấp (thở ô xy, thở máy…), hỗ trợ tuần hoàn (truyền dịch, trợ tim mạch…).

Ốc lông. Ảnh minh họa.

Ốc lông. Ảnh minh hoạ

Lưu ý gì khi ăn ốc để tránh ngộ độc?

Theo Đông Y, ốc có tính hàn, vị ngọt có tác dụng chữa trị bệnh hiệu quả như bệnh vàng da, thủy đậu, nhiễm trùng, trĩ, bệnh gan,… giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trong ốc có chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, cung cấp chất đạm và calci rất tốt. Nhưng ốc và các hải sản (nghêu, ghẹ, sò lông...) đều là các sinh vật sống trong môi trường nước nếu không làm sạch nhiều cặn bẩn, giun sán sẽ còn bám trên thân vật mà mắt thường không thấy.

Nhiều hàng quán bỏ qua khâu làm sạch, “tận dụng” ốc, hải sản chết bằng cách cho đông lạnh, khi có người dùng sẽ rã đông… Nếu ăn phải ốc bẩn có ký sinh trùng rất nguy hiểm bởi vào ruột còn có thể chữa trị, nhưng vào mắt, não thì có thể gây ra mù mắt, liệt...

Vì vậy món ốc cho kỳ nghỉ mát, du lịch người dân cần cân nhắc và kiểm tra cẩn thận trước khi ăn, tránh những sai lầm để phải đánh đổi cả sức khỏe của bản thân.

TS Lâm Quốc Hùng (Cục An toàn VSTP) từng khuyến cáo ngư dân tuyệt đối không khai thác, đánh bắt và tuyệt đối không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại ốc biển nghi ngờ có độc, các loài ốc biển lạ, màu sắc sặc sỡ (như ốc ma) để chế biến thành thức ăn.

Đối với các loại ốc biển khi sử dụng làm thức ăn đều phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn: ngâm, thả vào môi trường để nước để kích thích đào thải hết cặn bã, chất tiết trong ruột, tuyến bọt (nước muối nhạt, nước vôi nhạt, dấm ăn…); rửa sạch bằng nước sạch, để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, không qua sơ chế, vệ sinh sạch sẽ. Nếu sau khi ăn ốc biển mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, đau đẩu, đau bụng, buồn nôn… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Để đảm bảo sức khóe, đặc biệt lưu ý mấy điều sau để tránh ngộ độc:

Ngâm ốc, hải sản trong nước sạch hoặc nước muối khoảng 1 - 2 tiếng tùy loại, tuy tốn nhiều thời gian nhưng loại trừ bớt những vi trùng kí sinh gây độc.

- Không nên ăn ốc quá nhiều. Trung bình chỉ nên ăn khoảng 1 - 2 lần/tuần.

- Không ăn ốc chung với những thực phẩm có chứa Vitamin C (như hoa quả giàu Vitamin C, ăn ốc chấm muối tiêu chanh...), vì Vitamin C kết hợp với hải sản sẽ tạo ra chất asen hóa trị 3 có thể dẫn đến ngộ độc.

- Ăn ốc không uống chung với bia vì sẽ hạn chế quá trình bài tiết chất đạm dư thừa ra khỏi cơ thể dễ sinh ra nhiều bệnh như gout hoặc làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu, có thể gây cản tắc nghẽn động mạch.

Những người bị bệnh này tuyệt đối không nên ăn ốc:

- Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.

- Người mắc bệnh tiểu đường, thận, huyết áp cao.

- Người bị bệnh Gout, viêm khớp.

- Người hay bị dị ứng.

- Những người bị ho hay bệnh hen.

- Người đang bị chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa thì tuyệt đối không ăn ốc và các món từ ốc.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/song-khoe/ngo-doc-oc-bien-mua-du-lich-an-oc-the-nao-de-phong-tranh-20190629222121436.htm