19/01/2025 | 12:00 GMT+7, Hà Nội

Nghịch lý xuất khẩu dược liệu thô, nhập lại bã dược liệu

Cập nhật lúc: 18/01/2019, 08:06

Thị trường dược liệu toàn là rác, chẳng còn chất gì bên trong thì làm gì còn công dụng để bồi bổ hay phòng chống bệnh. Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Gian lận thương mại – hệ luỵ và giải pháp", do Công ty Truyền thông Quốc tế Hàn – Việt tổ chức tại TP HCM sáng 16/1.

PGS-TS Hồ Bá Do, Phó Chủ tịch Hội Y học Cổ truyền Việt Nam, đồng thời là Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm Chức năng Việt Nam, cho biết Việt Nam có rất nhiều dược liệu quý nhưng bị thương lái Trung Quốc cho người vào tận thôn, bản thu mua hết. Thậm chí họ không cần phải chở dược liệu về Trung Quốc mà tiến hành chiết xuất tại chỗ để "hút" hết các hoạt chất sinh học có trong dược liệu.

Sau đó, bã dược liệu với hình thức, màu, mùi vị nhưng không còn chất từ Trung Quốc được xuất trở lại Việt Nam với giá rẻ và được tiêu thụ mạnh.

nghich ly xuat khau duoc lieu tho nhap lai ba duoc lieu
Nhiều dược liệu quý của Việt Nam được xuất thô sang nước ngoài. Hình minh họa

Lấy ví dụ sâm Ngọc Linh, loại sâm hàng đầu thế giới được phát hiện tại Việt Nam theo các chuyên gia, cây sâm Ngọc Linh phải được trồng 6 năm mới có thu hoạch được. Hiện sâm bán tràn lan trên thị trường toàn là sâm giả từ Trung Quốc, thậm chí ngay thủ phủ trồng sâm Ngọc Linh của Việt Nam cũng tràn lan sâm giả. Tương tự với lan gấm 5 triệu một cân tươi, 10 triệu cân khô, nay không tìm ra để bán. Lá dâm dương hoắc khô đang được bán tràn lan ở thị trường Việt Nam trong chợ Sapa, đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM) giá 30.000 đồng/kg chỉ là lá khô. Ông nói: “Làm gì có lá dược liệu này giá rẻ mạt vậy? Tiền triệu không mua được để bào chế thuốc, sao có vài chục ngàn vậy mà bán tràn lan. Vấn đề này ai trong nghề cũng phải biết nhưng mắt nhắm mắt mở để làm ăn kinh doanh”.

Chưa hết các loại thực phẩm chức năng đang tiêu thụ trên thị trường được xem là vàng thau lẩn lộn, chưa được kiểm soát. Các sản phẩm thực phẩm chức năng chỉ mới được lưu hành trong nước, chưa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Từ đó cho thấy mặt hàng này khi đưa ra thị trường quảng cáo quá mức, sai sự thật. Sản xuất không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm. Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với 63 sản phẩm. Tuy nhiên, đến năm 2016 có đến 1.872 cơ sở sản xuất, với 3.447 sản phẩm (hiện nay con số này còn tăng hơn rất nhiều).

Liên quan đến vấn nạn sản xuất hàng giả nói chung và dược phẩm giả nói riêng, nhiều kiến nghị đưa ra tại hội thảo cho rằng, các hình thức phạt với hành vi làm giả phải được tăng mạnh hơn, có tính răn đe hơn, chứ không thể phạt cho qua chuyện. Lấy dẫn chứng vụ tiêm thuốc an thần cho gần 4.000 con heo bị phát hiện tại điểm giết mổ TP.HCM nhưng chỉ bị phạt 20 triệu đồng, trong khi tại Đài Loan, một trang trại trồng chè, nếu bị phát hiện một cây chè có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, mức phạt có thể khiến chủ trang trại đó sạt nghiệp.

Nguyễn My