Nghịch lý đề xuất tạm dừng xuất khẩu nhưng giá gạo trong nước tăng cao
Cập nhật lúc: 13/04/2020, 07:00
Cập nhật lúc: 13/04/2020, 07:00
Vừa qua, cuối tháng 3, Bộ Công Thương đã yêu cầu ngừng xuất khẩu gạo tới cuối tháng 5 khi dự trữ gạo ở các quốc gia đang gặp khó khăn. Tất cả những hợp đồng đã ký sẽ vẫn tiếp tục xuất khẩu còn hợp đồng mới phải dừng lại. Theo Bộ Công Thương, việc tạm dừng xuất khẩu là để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng và việc hạn hán ngập mặn khiến nguồn cung lúa gạo trong nước có nguy cơ giảm.
Hoạt động giao dịch xuất khẩu gạo ở châu Á trong những ngày gần đây diễn ra rất trầm lắng, khi các thị trường xuất khẩu gạo lớn đều ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19. Ấn Độ ngừng xuất nhập khẩu, Bangladesh ngừng xuất khẩu, Việt Nam ngừng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng trên khắp thế giới, các nước không ngừng tích trữ đã đẩy giá gạo và lúa mỳ trên thế giới tăng mạnh và lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Chính vì vậy, chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo hầu như người dân ủng hộ. Nhiều người cho rằng việc ngừng xuất khẩu gạo là hành động đúng đắn và kịp thời để đảm bảo an ninh lương thực vì tình hình dịch bệnh chưa biết khi nào mới kết thúc, có thể kéo dài vài tháng hoặc cả năm nữa. Khí hậu khó lường, hạn hán lũ lụt, bão, xâm nhập mặn, đại dịch có thể ảnh hưởng lớn tới sản lượng gạo các vụ sắp tới.
Tuy nhiên, cũng có người cũng cho rằng không nên dừng việc xuất khẩu gạo vì người dân cần giữ thị phần để duy trì việc xuất khẩu sau này.
Anh Nguyễn Thanh (Sài Gòn) cho rằng: “Nên xuất khẩu , xuất khẩu linh hoạt không nên tạm dừng vì sản lượng lúa gạo việt nam rất nhiều, hiện tại thái lan đang xuất rất nhiều. Việc cấm xuất khẩu sẽ làm giá gạo rớt giá thảm hại và nông dân sẽ thua lỗ, nông dân sẽ không trồng lúa nữa hậu quả sẽ thế nào? Việt Nam là nước nông nghiệp, cả nước đang có rất nhiều cánh đồng bỏ hoang, giá lúa gạo tăng sẽ đẩy mạnh nông dân trồng lúa trở lại và Việt Nam sẽ không bao giờ thiếu lụa gạo”.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu như ngừng xuất khẩu gạo thì doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Hơn nữa, lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo đã khiến hàng nghìn tấn gạo bị tắc nghẽn và chi phí kho bãi cũng tăng lên.
“Hàng trăm nghìn tấn gạo đang được đóng bao và đã được đưa lên tàu chuẩn bị xuất khẩu chưa biết sẽ xử lý ra sao. Các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu đã vay ngân hàng để mua gạo, nếu để lâu, doanh nghiệp sẽ không có dòng tiền trả nợ, lãi vay”, Giám đốc mảng lúa gạo của Tập đoàn Tân Long – Nguyễn Chánh Trung cho hay.
Cũng theo ông Trung, sau khi có lệnh tạm dừng xuất khẩu, một số mặt hàng như gạo nếp xuống giá tới 800 - 1.000 đồng/kg. Các loại gạo thơm Jasmine, Nàng hoa, Đài Thơm 8…, là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng rớt giá 300 - 500 đồng/kg.
Trong khi đó, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu lớn khác ở phía Nam cũng cho hay, chính sách ngừng xuất khẩu gạo sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Ông còn cho rằng, trung bình Việt Nam xuất khẩu mỗi tháng khoảng 600 nghìn tấn gạo. Do vậy, nếu dừng xuất khẩu thì lượng gạo tồn rất lớn.
“Hàng trăm nghìn tấn gạo đang được đóng bao và đã được đưa lên tàu chuẩn bị xuất khẩu chưa biết sẽ xử lý ra sao. Các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu đã vay ngân hàng để mua gạo, nếu để lâu, doanh nghiệp sẽ không có dòng tiền trả nợ, lãi vay”, vị này phân tích.
Chính vì lo ngại của các doanh nghiệp nông sản mà Bộ Tài chính đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ đến 25/6, các mặt hàng gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm vẫn được xuất khẩu bình thường.
Tuy nhiên, sáng 11/4, Thủ Tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo vào tháng 4. Với quyết định này, Bộ Tài chính cho biết Tổng cục Hải quan sẽ giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu đối với các loại gạo.
Thủ tướng cũng nêu rõ, vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.
Đây có thể là tin vui đối với các doanh nghiệp lúa gạo trong nước. Tuy nhiên, trên thị trường thì việc xuất khẩu gạo hay không lại không ảnh hưởng nhiều đến giá. Thậm chí, có một nghịch lý là trong thời gian tạm dừng xuất khẩu giá gạo trong nước lại tăng cao.
Tại các chợ trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều thay đổi. Cụ thể: Bụi sữa tăng 500 đồng lên mức 13.000 đồng/kg, gạo Nàng Hương tăng 500 đồng lên mức 18.500 đồng/kg, gạo Nhật tăng 500 đồng lên 29.000 đồng/kg... Một số loại khác giảm giá nhẹ như nếp bắc giảm 300 đồng còn 27.000 đồng/kg, gạo Hàm Châu giảm 1.000 đồng xuống còn 14.000 đồng/kg, gạo Long Lân giảm 500 đồng còn 27.000 đồng/kg...
Theo thông tin của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), gạo IR50404 thành phẩm tại các kho của doanh nghiệp ở ĐBSCL hiện được giao dịch với giá khoảng 10.000 - 10.200 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với hai tháng trước. Ông cho biết, đây là mức giá tăng mạnh trong nhiều năm qua đối với phân khúc gạo cấp thấp.
Ông Thành nhận định, giá lúa gạo tăng không hẳn do nhu cầu tích trữ của người dân mà còn do các nguyên nhân khác. Nguyên nhân lớn chủ yếu là các doanh nghiệp gom hàng để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký trước khi lệnh ngừng xuất được ban hành. Tiếp theo là nhu cầu dùng gạo làm bột, bánh gia tăng và cuối cùng là Việt Nam đang phải chuẩn bị cho nguồn dự trữ quốc gia.
Còn bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực - Thực phẩm Long An lại thông tin trên báo chí, nguyên nhân khác là không có nguồn hàng từ Campuchia sang. “Hằng năm có một lượng lúa gạo nhất định từ Campuchia chảy sang, nhưng năm nay do lệnh cấm biên nên lượng hàng này không có”, bà Đặng Thị Liên nói.
Tuy nhiên, người dân trong nước hoàn toàn có thể yên tâm vì theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngay từ tháng 2/2020, VFA đã có văn bản gửi các hội viên sẵn sàng tham gia bình ổn, không để thiếu gạo cục bộ. Do vậy người dân hoàn toàn có thể yên tâm và không nên nảy sinh tâm lý tích trữ tạo cơ hội cho thương lái đầu cơ đẩy giá.
06:39, 10/11/2019
11:46, 18/10/2019
20:00, 23/05/2019
16:32, 24/04/2019