08/10/2024 | 09:29 GMT+7, Hà Nội

Nghi vấn “ông lớn” Coco Shop tiếp tục kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu

Cập nhật lúc: 15/10/2018, 07:00

Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sản phẩm không có chứng từ chứng minh nguồn gốc đang được “ông lớn” Coco Shop bày bán một cách công khai trên chuỗi hệ thống các cửa hàng. Điều này khiến nhiều khách hàng lo sợ các sản phẩm này có thể là hàng fake?!

Là đại diện hợp tác của Regen nhưng Coco Shop lại bán mỹ phẩm nhập lậu? 

Tự cho mình là một trong những store mỹ phẩm tiên phong trong lĩnh vực làm đẹp với nhiều sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu hơn 4 năm, Coco Shop không chỉ trở thành thánh địa mỹ phẩm Hàn Quốc cho chị em mà còn mở rộng phân phối các loại mỹ phẩm chính hãng từ Nga, Mỹ, Nhật, Thái...

Video: Đỗ Linh

Không những thế, Coco Shop còn cho rằng mình đã lên một tầm cao mới, đồng thời mở ra chương mới khi đã ký kết trở thành đại diện hợp tác duy nhất của Regen – 1 trong 5 tập đoàn về thẩm mỹ lớn nhất thế giới. Và đây cũng là nơi được quảng cáo để các tín đồ làm đẹp Hà thành trải nghiệm mô hình mua sắm độc đáo, showroom thiết kế chuẩn Hàn với sự có mặt của hàng loạt thương hiệu lớn, sản phẩm chính hãng, giá gốc được bán tận tay cho chị em.

Các đơn vị mỹ phẩm nổi tiếng ký kết đối tác với Coco Shop

Các đơn vị mỹ phẩm nổi tiếng ký kết đối tác với Coco Shop.

Ngoài ra, các đơn vị nổi tiếng như L'oréal Việt Nam, Christian Lenart, Maybelline New York… đều được Coco Shop khẳng định mình là đối tác, hợp tác kinh doanh chiến lược tại thị trường tiêu dùng Việt Nam.

Thế nhưng, qua khảo sát của phóng viên ở các cơ sở của thương hiệu này, rất nhiều sản phẩm tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc… lại không hề có nhãn phụ tiếng Việt. Khi được hỏi về những việc này, nhân viên ở đây đều né tránh những câu hỏi đó. Đồng thời, các nhân viên của Coco Shop lại trấn an khách hàng bằng sự cam kết “miệng” về chất lượng sản phẩm.

Khi muốn tìm hiểu về một sản phẩm nước tẩy trang xuất xứ từ Nga, khách hàng muốn cung cấp thông tin để phù hợp cho làn da nhạy cảm của mình hay không thì nhân viên ở đây khẳng định nó phù hợp với mọi loại da. Tuy nhiên, lúc thắc mắc về sản phẩm sao lại không có nhãn dán bằng tiếng Việt, không biết đơn vị nào nhập về, có chính hãng hay không… thì câu trả lời mà khách hàng nhận được lại là... sự im lặng.

Điều này đã khiến khách hàng hoài nghi về việc các sản phẩm được bày bán không rõ nguồn gốc tại chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Coco Shop liệu có đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng?

Được biết, trước đây, Chi Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cũng đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành số 2, thực hiện kiểm tra tại hai cơ sở của Coco Shop ở địa chỉ 80 Chùa Bộc và 136 Cầu Giấy.

Hai trong nhiều cơ sở đã bị cơ quan chức năng xử phạt. 
2 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm thuộc hệ thống Coco shop từng bị cơ quan chức năng xử phạt.
Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, ngày 26/6 và 27/6, 230 sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt và không có hoá đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Tổng giá trị hàng hoá là 8.580.000 đồng.

Với việc vi phạm này, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã phạt hai cơ sở trên với tổng số tiền là 8 triệu đồng với hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.

Một sản phẩm mỹ phẩm không có nhãn mác phụ.

Một sản phẩm mỹ phẩm không có nhãn mác phụ được mua ở Coco Shop.

Thế nhưng, 4 tháng sau đó, theo khảo sát của PV tại thời điểm hiện tại, chuỗi hệ thống cửa hàng này vẫn ngang nhiên bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Việc làm này chứng tỏ Coco Shop đang “thách thức” cơ quan chức năng chỉ vì lợi nhuận.

Khó hiểu về địa chỉ đăng ký và mã số thuế

Theo tìm hiểu của PV, thương hiệu Coco Shop thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Việt Nam hoạt động từ ngày 10/5/2017. Như vậy, việc tồn tại của chuỗi cửa hàng Coco Shop hoạt động trên 4 năm như một số thông tin đã nêu liệu có đúng? Điều đáng nói, khi PV tìm hiểu mã số doanh nghiệp đăng ký 0107837344 thì lại ra 2 đại diện pháp luật và địa chỉ đăng ký khác nhau.

Thông tin doanh nghiệp dưới tên bà Phạm Thị Ngọc Anh làm đại diện pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp dưới tên bà Phạm Thị Ngọc Anh làm đại diện pháp luật.

Cũng là một đơn vị công ty, một MST nhưng lại có 2 người đại diện pháp luật, 2 địa chỉ đăng ký khác nhau?

Cùng là một công ty, một mã số thuế nhưng lại có 2 người đại diện pháp luật, 2 địa chỉ đăng ký khác nhau?

Không chỉ vậy, trên trang web chính thức cocoshop.vn không hề thể hiện bất cứ một thông tin nào của đơn vị công ty này. Ngoài ra, trên mạng xã hội của đơn vị này lại thể hiện một mã số thuế khác và khi tìm hiểu thì PV không thấy bất cứ một thông tin nào hay một công ty nào thể hiện mã số mã số thuế: 01E8024158.

Mã số thuế được ghi trên mạng xã hội không tìm thấy công ty nào.

Mã số thuế được ghi trên mạng xã hội không tìm thấy công ty nào.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ở một số diễn đàn, mạng xã hội, khách hàng tiêu dùng cũng nghi ngờ về chất lượng sản phẩm mà chuỗi các cửa hàng của Coco Shop đang bày bán.

Nhiều khách hàng bày tỏ quan điểm không hài lòng về sản phẩm mua tại Coco Shop

Nhiều khách hàng bày tỏ quan điểm nghi ngờ về sản phẩm mua tại Coco Shop.

Có thể nói, Coco Shop có nhiều cơ sở tọa lạc ngay tại mặt đường lớn, kinh doanh sầm uất bậc nhất của Thủ đô, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện lưu hành thị trường mà vẫn ngang nhiên tồn tại mặc cho cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính.

Để hạn chế tình trạng chuỗi cửa hàng Coco Shop cố tình vi phạm chỉ vì lợi ích cá nhân, rất cần các cơ quan chức năng tiếp tục mạnh tay xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Căn cứ khoản 3 Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định: "Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Khi cố tình vi phạm các quy định này, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa nhập khẩu có thể phải chịu mức phạt đến 80 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm theo quy định tại Điều 26 Nghị định Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.

Khoản 7, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định:

Hàng nhập lậu bao gồm:

  1. a) Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
  2. b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;
  3. c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
  4. d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Như vậy hàng mỹ phẩm xách tay được coi là hàng nhập lậu theo quy định tại điểm d, khoản 7, Điều 3 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP.