19/01/2025 | 06:56 GMT+7, Hà Nội

Nghe xem đọc gì ở Hà Nội trong tuần cuối tháng 4?

Cập nhật lúc: 25/04/2017, 01:17

Đến L’Espace cảm nhận dự án hướng dẫn người điếc làm phim “Nghe bằng mắt 2”, xem phim "Nhật ký thân mến" ở viện Goethe hay đến Vườn Hồng nghe buổi thảo luận nhân kỷ niệm Tháng tôn vinh nhạc Jazz,... là những lựa chọn phù hợp dành cho nhiều đối tượng công chúng ở Hà Nội trong tuần cuối tháng 4 này.

“Nghe bằng mắt 2” - 19h00 – 22h00, thứ hai ngày 24/4

Chương trình diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Vào cửa tự do. 

 

“Nghe bằng mắt” là một dự án dạy người Điếc làm phim và làm phim cùng người Điếc. Bắt đầu từ đây, những người thực hiện chương trình hy vọng rằng người Điếc sẽ có thể kể câu chuyện của chính mình bằng ngôn ngữ điện ảnh. Và qua phim ảnh, biết đâu sự độc đáo của văn hóa Điếc cũng như vẻ đẹp của Ngôn ngữ Ký hiệu sẽ làm rung động nhiều trái tim.

Người Điếc làm đạo diễn, quay phim, sản xuất, thiết kế mỹ thuật, dựng phim… Người Điếc có thể làm được mọi việc nếu họ được tin tưởng, trao quyền và có cơ hội. 

Sự kiện cũng nhằm hưởng ứng Tuần lễ toàn cầu hành động vì giáo dục năm 2017, với trọng tâm nhấn mạnh cam kết của các quốc gia về đảm bảo giáo dục bình đẳng và chất lượng cho tất cả mọi người, không bỏ sót bất cứ ai trong Mục tiêu phát triển bền vững giáo dục đến năm 2030.

Triển lãm “Manga Hokusai Manga: Tiếp cận với nghệ thuật bậc thầy từ góc nhìn của truyện tranh đương đại”

Triển lãm do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp thực hiện từ 18/4 - 2/5/2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Vào cửa tự do.

 

Không giống như những triển lãm tranh của Hokusai trước đây, triển lãm “Manga Hokusai Manga” tiếp cận tranh của Hokusai từ góc nhìn của truyện tranh đương đại, chú trọng vào thể loại, cách kể chuyện qua tranh và các yếu tố văn hóa liên quan hơn là đi sâu vào phân tích mối giao thoa giữa ngôn ngữ và hình ảnh hay là vai trò của các nhân vật nổi tiếng.

Thêm nữa, thay vì chú trọng vào phân tích làm rõ sự ảnh hưởng của Hokusai Manga đối với manga hiện đại theo chiều dài lịch sử, triển lãm này lại để người xem tự suy ngẫm và đưa ra một quan điểm của riêng mỗi người về truyện tranh bằng cách so sánh các tác phẩm của các thời kỳ khác nhau được trưng bày lần này.

Mặc dù những năm gần đây, truyện tranh chỉ đơn thuần được xem như một hình thức giải trí, nhưng bên cạnh đó song song với văn học và nghệ thuật, truyện tranh cũng đã được lưu tâm và là đối tượng nghiên cứu cũng như phê bình.

Chiếu phim "Nhật ký thân mến" - 19h00 thứ Ba ngày 25/4 (phụ đề tiếng Việt) 

Viện Goethe, 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Giá vé đóng góp: 30.000 VND (miễn phí với những người có thẻ thành viên).

 

Quả thực rất khó để nói "Nhật ký thân mến" là bộ phim về một điều gì cụ thể, nhưng đó là bộ phim sẽ mang bạn đến gần hơn với cảm giác nhẹ bâng, man mác buồn khi đạo diễn Moretti lái chiếc xe máy Vespa của mình trên những con đường nước Ý.

Moretti đi thăm Pasolini, Moretti đi thăm Rosellini, Moretti đi Rome....

Mở đầu cuốn nhật ký của mình, đạo diễn Moretti gửi gắm những suy nghĩ vụn vặt và sâu kín nhất của mình bằng dòng tâm sự: “Nhật ký thân mến, có điều này tao muốn làm hơn bất cứ điều gì khác…”.

Phim tiếng Ý với phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh. Thời lượng: 101 phút.

Chiếu phim “Băng tuyết và bầu trời” - 20h00, thứ sáu 28/04/2017

Phim chiếu tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Giá vé: 40.000 - 50.000 đồng/vé. 

 

Đạo diễn: Luc Jacquet - Diễn viên: Claude Lorius, Michel Papineschi

Năm 1957, chàng thanh niên người Pháp 23 tuổi Claude Lorius rời quê hương, dấn thân vào hành trình nghiên cứu băng Nam cực. Kể từ đó, Lorius đã dành cả cuộc đời cống hiến cho khoa học. Ông nghĩ ra một cách đơn giản nhưng hiệu quả để đo lường sự thay đổi nhiệt độ trái đất bằng cách khảo sát những bong bóng khí trong lớp băng. Lorius phát hiện ra rằng lượng khí thải CO2 của loài người đang làm trái đất nóng lên và trở thành nhà khoa học đầu tiên lên tiếng cảnh báo về điều này.

Khác với “An Inconvenient Truth” – bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar cũng lấy đề tài về môi trường – “Ice and the Sky” không hẳn là một bài thuyết trình về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu. Bộ phim giống như một khải hoàn ca về niềm đam mê khoa học, vẻ đẹp tuyệt mĩ khắc nghiệt của thiên nhiên và ý chí không dễ khuất phục của con người.

Ngôn ngữ: Phim tiếng Pháp, phụ đề tiếng Việt. 

Xem trailer phim: 


Hình mẫu không ranh giới: Nguồn gốc lịch sử và triết học Jazz - Buổi thảo luận nhân kỷ niệm Tháng tôn vinh nhạc Jazz

16:00 – 17:30, thứ Sáu, ngày 28/4, Trung tâm Hoa Kỳ, Tòa nhà Vườn Hồng (Rose Garden), 170 Ngọc Khánh, Hà Nội

 

Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm Tháng tôn vinh nhạc Jazz với sự tham gia của diễn giả Daniel McCullough đến từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Diễn giả McCullough sẽ chia sẻ về các yếu tố văn hoá và lịch sử tạo ra các điều kiện xuất hiện của thể loại Jazz ở Hoa Kỳ và quan điểm của ông về Jazz như một cách để nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo. Các khán giả cũng sẽ được nghe một số ví dụ về thu âm Jazz và hai giai điệu trực tiếp từ Daniel.

Chương trình sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Vào cửa tự do. 

Hòa nhạc cổ điển - Chùm nhạc Franz Schubert - Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam - 20h00 ngày 27 & 28/4 

Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Giá vé từ 80.00 - 170.000 đồng. 

Direction I Chỉ huy: Kim Xuân Hiếu
Solo Trumpet: Phạm Văn Hiếu
Solo Trombone: Trần Hiền

Tiếp sau tác phẩm La Pavane, opus 50 cung fa thăng thứ của nhà soạn nhạc thiên tài người Pháp Gabriel Fauré, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam sẽ trình diễn bản concerto cung đô thứ dành cho kèn trompette của Benedetto Giacomo Marcello, bản concerto dành cho kèn trombone của Launy Grondahl và kết thúc bằng bản giao hưởng số 1 cung rê trưởng, D.82 mà Franz Schubert viết hồi ông mới 16 tuổi.