23/11/2024 | 03:40 GMT+7, Hà Nội

Ngày càng \"nóng\" cuộc đua \"số hóa\" trên thị trường cho vay tiêu dùng

Cập nhật lúc: 17/02/2022, 14:46

Trong chiến lược "săn" khách hàng, các tổ chức tín dụng ngày càng mạnh tay đầu tư công nghệ để đem đến những sản phẩm tài chính chất lượng.

Hiện nay, nhu cầu vay tiêu dùng được kỳ vọng tăng mạnh khi số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 19/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020, trong đó, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% dư nợ nền kinh tế.   

Cùng với đó, thị trường tài chính tiêu dùng toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 5% về giá trị, đạt hơn 1306,1 tỷ USD vào năm 2026. Trong đó, tài chính tiêu dùng đề cập đến các quyết định mà các hộ gia đình đưa ra theo thời gian về tiết kiệm, vay mượn và đầu tư.

Nắm bắt nhu cầu vay tiêu dùng tăng mạnh, công ty tài chính đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ tiên tiến và tung ra các dịch vụ mới để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường với mong muốn đem đến những sản phẩm tài chính chất lượng nhằm phục vụ tốt hơn cho các "thượng đế", đây cũng là chiến lược để săn lợi nhuận của các "ông lớn".  

Ông Kalidas Chose, Tổng giám đốc FE Credit cho biết, hiện công ty đang đẩy mạnh xây dựng nền tảng ngân hàng mở thích ứng cho khách hàng Việt Nam bằng cách tích hợp các công nghệ như trí thông minh nhân tạo, công nghệ nhận dạng ký tự quang học, chuyển lời nói thành văn bản, văn bản thành lời nói…, qua đó thực thi tốt eKYC để hiểu hơn về khách hàng trên quan điểm rủi ro bằng cách triển khai các phân tích về dữ liệu mà chúng tôi thu thập được trên các nền tảng công nghệ khác nhau. Điều này giúp Công ty tạo ra một quy trình cho vay thân thiện với khách hàng theo định hướng phù hợp với thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như giảm thiểu rủi ro khách hàng bị đánh cắp OTP trong quá trình giải ngân qua thẻ tín dụng tại các đối tác chi hộ, mới đây, FE CREDIT đã triển khai thành công quy trình “Giải ngân qua thẻ tín dụng bằng xác thực khuôn mặt” cho các khách hàng.

Ngày càng nóng cuộc đua số hóa trên thị trường cho vay tiêu dùng
Ngày càng nóng cuộc đua số hóa trên thị trường cho vay tiêu dùng

Chia sẻ về định hướng hoạt động năm 2022, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, cho biết: VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trung bình hơn 20% trong giai đoạn tiếp theo. Về huy động, nhà băng kỳ vọng tỉ lệ CASA sẽ vượt mức 30% với động lực tăng trưởng từ việc mở rộng mạng lưới khách hàng chính sẽ đến từ hệ sinh thái với các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và bảo hiểm, với hơn 65% tiền gửi tiết kiệm sẽ đến từ kênh trực tuyến.

Là "ngân hàng mẹ" thuộc nhóm dẫn đầu về tăng trưởng với chiến lược số hóa toàn diện, liên tục đưa ra thị trường các giải pháp công nghệ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, VPBank kỳ vọng bước sang năm 2022, sẽ không ngừng nghiên cứu đầu tư phát triển để có thể tiếp tục nâng cấp hàng loạt các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, điển hình là các thương hiệu và nền tảng giao dịch như VPBank Prime, VPBank NEO, Race Car, Race Home, VPBank NEO Express và VPBank NEOBiz hay các sản phẩm và ứng dụng công nghệ được triển khai trong các hoạt động dịch vụ chăm sóc khách hàng, mở tài khoản và thanh toán từ xa.

"Với hệ sinh thái đã được phát triển rộng rãi trên nền tảng số cùng việc triển khai thành công nhiều hoạt động và dịch vụ chăm sóc kết nối khách hàng, cho vay qua các kênh số hóa được kỳ vọng là một lợi thế lớn giúp VPBank tạo sức bật trong năm 2022", ông Nguyễn Đức Vinh, CEO Vpbank cho biết.

Đáng chú ý, xu hướng hợp tác của tổ chức tín dụng và fintech tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động, nhiều dự án đầu tư của ngân hàng vào các công ty fintech khởi nghiệp hoạt động có hiệu quả, phủ sóng xu hướng “tài chính nhúng”. Chẳng hạn, Ngân hàng CIMB và Finhay công bố hợp tác phát hành thẻ đồng thương hiệu CIMB - Finhay trên ứng dụng Finhay. Trước đó, MoMo cũng bắt tay với TPBank triển khai gói trả sau, cho người dùng ví có thể vay ngay trên ứng dụng. 

Để có thể làm chủ công nghệ, ông Jean- Pascal Duvieusart, CEO của Tập đoàn Home Credit Việt Nam, cho hay: "Home Credit quyết định hợp tác nhiều hơn với các đối tác công nghệ để tạo ra hệ sinh thái tích hợp, đem tới lợi ích tối ưu cho khách hàng trong việc giải ngân và thanh toán khoản vay. Home Credit Việt Nam - Ví Momo, Zalopay, Airpay vừa "bắt tay" hợp tác bước vào kỷ nguyên số trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng... 

Mới đây, ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty F88 chia sẻ, F88 và Ngân hàng quốc tế CIMB cùng có chung một tầm nhìn chiến lược là làm sao để cung cấp được các giải pháp tài chính phù hợp và dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cho những khách hàng chưa vay được ngân hàng hay công ty tài chính như hiện nay. Mối quan hệ hợp tác này góp phần mang đến cơ hội để F88 tiến xa hơn nữa trong sứ mệnh phổ cập tài chính cá nhân kèm theo các dịch vụ tài chính tiện ích tại Việt Nam. 

"Các ngân hàng rất sẵn sàng hợp tác với các công ty fintech, bởi khi kết hợp với fintech sẽ tạo nên tính đa dạng của hệ sinh thái ngân hàng số. Thậm chí, nó còn giúp ngân hàng chạy được đường dài trên cuộc đua số, tạo ra hệ sinh thái chung, tận dụng thế mạnh của nhau trong việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng", ông Phạm Anh Tuấn, thành viên Hội đồng Quản trị, Trưởng Ban Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng tại Vietcombank cho hay. 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/17-2-2022-ngay-cang-nong-cuoc-dua-so-hoa-tren-thi-truong-cho-vay-tieu-dung-20201231000005845.html