22/11/2024 | 12:35 GMT+7, Hà Nội

Ngành xi măng chật vật điều tiết sản xuất - tiêu thụ

Cập nhật lúc: 12/02/2023, 09:30

Một số dây chuyền xi măng đã phải dừng lò từ cuối năm 2022, kết hợp sửa chữa thiết bị, cũng là để giảm tải áp lực về tiêu thụ khi thị trường trong nước và xuất khẩu tháng đầu năm 2023 còn trầm lắng.

Cầu vẫn thấp, cung lại tăng

Nguồn cung xi măng đã vượt xa so với nhu cầu, nhưng tiếp tục được bổ sung trong năm 2023, đưa mức dư cung càng nới rộng thêm, trong khi dự báo tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa chưa có nhiều cửa sáng.

Những yếu tố này khiến ngành xi măng sẽ tiếp tục chật vật để cân đối cung cầu, điều tiết sản xuất - tiêu thụ để tránh cảnh hàng tồn kho gia tăng.

Trong năm 2023, cầu xi măng dự báo vẫn thấp, trong khi nguồn cung không ngừng tăng.
Trong năm 2023, cầu xi măng dự báo vẫn thấp, trong khi nguồn cung không ngừng tăng.

Theo kế hoạch, năm 2023 có thêm một loạt dây chuyền mới đi vào vận hành, gồm: Dây chuyền 4 - Xi măng Long Sơn (2,5 triệu tấn), Dây chuyền 3 - Xi măng Xuân Thành (4,5 triệu tấn), Xi măng Đại Dương (2,3 triệu tấn), Xi măng Long Thành (2,3 triệu tấn), đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức 63 - 65,5 triệu tấn.

Dư thừa xi măng tiếp tục dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh các đơn vị sản xuất xi măng đứng trước áp lực phải tiêu thụ sản phẩm, nhiều đơn vị phải thực hiện dừng lò nung/giảm năng suất chạy lò.

Đầu tháng 1 vừa qua, một số dây chuyền xi măng xác nhận phải dừng lò, kết hợp sửa chữa thiết bị, cũng để giảm tải áp lực về tiêu thụ khi thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu còn trầm lắng.

Năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước đạt 62,6 triệu tấn, tương đương năm 2021. Tiêu thụ xi măng chững lại do chu kỳ đi xuống của thị trường bất động sản, cộng với việc giải ngân vốn đầu tư các công trình công còn chậm, khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng bị ảnh hưởng đáng kể.

Tiêu thụ xi măng thấp, trong khi chi phí sản xuất liên tục tăng cao, khiến lợi nhuận của các công ty sản xuất xi măng tiếp tục giảm tốc, nhất là những doanh nghiệp đóng đô tại địa bàn có nhiều nhà máy xi măng, sản lượng lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam, Ninh Bình. Kịch bản này dự báo duy trì tiếp trong năm 2023.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận, doanh thu quý IV/2022 của Công ty đạt 919 tỷ đồng, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế âm 25,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 14 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của Vicem Bỉm Sơn đạt 4.218 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,5% so với thực hiện của năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 62,9 tỷ đồng, giảm gần 39% so với năm 2021.

Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, năm 2023, thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó, khi dòng vốn vẫn chưa được khơi thông, tâm lý người mua nhà thận trọng… khiến nhiều doanh nghiệp không dám đẩy mạnh đầu tư dự án mới, mà chọn tập trung khai thác các dự án hiện hữu, giãn tiến độ xây dựng.

Đưa ra đánh giá triển vọng năm 2023, Chứng khoán SSI cho rằng, tiêu thụ xi măng trong nước sẽ đi ngang so với năm 2022.

Thị trường năm 2023 chưa được cải thiện cũng là nhận định của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp nắm giữ 35% thị phần trên thị trường xi măng trong nước. Tổng giám đốc Vicem, ông Lê Nam Khánh cho hay, xây dựng dân dụng phục hồi chậm; các công trình, dự án cũng chậm triển khai, nên xi măng không dễ tăng tiêu thụ. 

Xuất khẩu cũng hẹp đường

Thị trường trong nước đã vậy, kênh xuất khẩu nhiều năm giải quyết đầu ra 40 - 45 triệu tấn cho ngành cũng suy giảm nghiêm trọng. Năm 2022, xuất khẩu xi măng, clinker đã chứng kiến sự giảm tốc mạnh, khi tổng sản lượng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 31 triệu tấn, giảm 15 triệu tấn so với năm 2021. Nguyên nhân khiến sản lượng xuất khẩu giảm là thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn trì trệ và chính sách Zero-covid của nước này.

Theo Bộ Xây dựng, dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành trong năm 2023 đạt khoảng 100 - 105 triệu tấn (tăng 7 - 10% so với năm 2022). Trong đó tiêu thụ nội địa ở mức 63 - 65 triệu tấn và xuất khẩu đạt 35 - 40 triệu tấn.

Dự báo, đà giảm sẽ tiếp diễn trong năm 2023, khi mà hàng loạt yếu tố không thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu đã lộ diện. Các nước nhập khẩu xi măng, clinker chính của Việt Nam như Bangladesh, Philippines tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, dựng hàng rào kỹ thuật thương mại.

Trong đó, tại Philippines bị áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng, Trung Quốc chưa gia tăng nhu cầu nhập clinker. Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2023, Việt Nam áp thuế xuất khẩu clinker từ mức 5% lên mức 10% (theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ).

Xuất khẩu xi măng trong tháng đầu năm lao dốc, với sản lượng vẻn vẹn 2 triệu tấn, trị giá 88 triệu USD, giảm 47,7% về sản lượng và giảm 40% về trị giá so với cùng kỳ.

Các nhà sản xuất xi măng cho biết, sẽ bám sát tình hình thị trường để điều chỉnh giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt theo từng chủng loại, trên từng địa bàn phù hợp với thực tế thị trường nhằm bù đắp tối đa chi phí sản xuất tăng thêm do tăng giá than và giá nguyên vật liệu đầu vào.

Đối với các doanh nghiệp thuộc Vicem, chỉ đạo được đưa ra là dù cạnh tranh gay gắt, nhưng sẽ không tiêu thụ sản phẩm với giá bán (chưa bao gồm thuế VAT) thấp hơn biến phí.

Theo đó, mỗi doanh nghiệp sẽ xây dựng và lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất, tương ứng với cơ cấu, chủng loại, chi phí tiêu hao than sử dụng, năng suất lò khai thác và các điều kiện vận hành với hiệu quả tối ưu. Gắn phương án sản xuất với kịch bản kinh doanh tiêu thụ sản phẩm để chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời tình hình./.

Nguồn: https://reatimes.vn/nganh-xi-mang-chat-vat-dieu-tiet-san-xuat-tieu-thu-20201224000017572.html