19/01/2025 | 02:34 GMT+7, Hà Nội

Ngành thuỷ sản Việt Nam đối diện với khó khăn khi bệnh dịch xuất hiện

Cập nhật lúc: 20/03/2021, 17:19

Dù đà tăng xuất khẩu đang trở lại nhưng ngành thuỷ sản của Việt Nam đang đối diện với nguy hiểm khi dịch bệnh trên tôm, cá xuất hiện.

Ngành thuỷ sản Việt Nam đối diện với khó khăn khi bệnh dịch xuất hiện

Báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại ở nước ta là hơn 46.217 ha, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, so với cùng kỳ năm 2019, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại khoảng 43.340 ha, cao gấp 1,94 lần; diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại hơn 1.426 ha, gấp gần 5,76 lần, chiếm 25% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước. Ngoài ra, còn có 1.452 ha diện tích nuôi nghêu/ngao, tôm càng xanh và một số loài thủy sản nước ngọt khác bị thiệt hại.

Đáng chú ý, phạm vi và diện tích có tôm thiệt hại hoặc bị mắc bệnh đều tăng so với năm 2019. Theo đó, diện tích tôm bị mắc bệnh tăng 7,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, 76,45% diện tích tôm bị thiệt hại nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Sang năm 2021, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 1.897 ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng lô hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm bị trả về tăng đột biến, lên tới 40 lô hàng (năm 2020 chỉ có 14 lô bị trả về).

Đáng chú ý, chỉ hơn hai tháng đầu năm nay, có tới 15 lô thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị trả về, trong khi cả năm 2020 chỉ có 6 lô.

Dù diện tích thủy sản nuôi trồng bị thiệt hại giảm mạnh, song ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y - vẫn cảnh báo, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.

Nguyên nhân được cho là bởi người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi, trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp; Các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm.

Ngoài ra, các yếu tố bất lợi như nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường nhanh, mạnh, theo hướng cực đoan,... có thể làm tôm chậm lớn (không lột xác), kém phát triển, sức đề kháng yếu; điều kiện môi trường biến đổi lại tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh cho tôm.

Chia sẻ về vấn đề trên tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021, ông Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng NAFIQAD (Bộ NN-PTNT) - cho biết, phía Trung Quốc gần đây cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm đã xử lý nhiệt của Việt Nam phát hiện dương tính với bệnh hoại tử, virus đốm trắng.

Chưa kể, các thị trường khác cũng liên tục thay đổi quy định chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Cụ thể, sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của Hàn Quốc sẽ được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt lại dài, gây ảnh hưởng đến cảm quan của sản phẩm (màu sắc, mùi vị,... ). Thị trường này cũng bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh đối với một số loài/dạng sản phẩm thủy sản. Từ 1/8 tới, các lô hàng xuất khẩu vào Hàn Quốc phải kèm theo chứng thư chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh này.

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết, sản phẩm thủy sản của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại nhiều thị trường. Năm 2020, xuất khẩu thuỷ sản nước ta đạt 8,5 tỷ USD. Hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng, đặc biệt là mặt hàng tôm.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, năm nay xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 8,8 tỷ USD.

Nguồn: https://ngaynay.vn/nganh-thuy-san-viet-nam-doi-dien-voi-kho-khan-khi-benh-dich-xuat-hien-post105061.html?fbclid=IwAR0HKf6OF4fd6ngdGpNAgcQF6nWXY191ywt4RGmiszHATFXNmooDIBZJ5tY