19/01/2025 | 07:09 GMT+7, Hà Nội

Năm 2020, Việt Nam có thể đạt 8,9 tỷ USD xuất khẩu thủy sản

Cập nhật lúc: 21/09/2020, 09:01

Hết tháng 8, xuất khẩu thủy sản đã đạt 5,4 tỷ USD và năm nay sẽ phấn đấu đạt kim ngạch 8,9 tỷ USD.

Mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi kể từ khi EVFTA có hiệu lực

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết thông tin này tại Hội nghị đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ thủy sản, tổ chức tại Cần Thơ ngày 19/9.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc.

Tính đến ngày 15/8, xuất khẩu tôm đạt 2,1 tỷ USD, chiếm hơn 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Trong đó, hai thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trường là Mỹ tăng 32% và Hàn Quốc 8,5%.

Nhận định của VASEP, dịch Covid-19 đang tác động là cơ hội để ngành thủy sản thích ứng, phục hồi và phát triển trong giai đoạn mới. Hiệp định EVFTA sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU trong những tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt thời cơ và ưu đãi thuế quan. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3,4 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, xuất khẩu thủy sản năm nay phấn đấu đạt 8,9 tỷ USD, hết tháng 8 đã đạt 5,4 tỷ USD. Hiện tại, đang có những điều kiện thuận lợi cho mặt hàng tôm khi tăng cả về sản lượng và giá bán kể từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực đầu tháng 8 vừa qua, đơn hàng tôm đã tăng hơn 10%.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cần phải nhận định tình hình để đưa ra những giải pháp cụ thể trong những tháng còn lại, trong đó tăng cường sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu ngành thủy sản. Qua đó, góp phần giữ mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 41 tỷ USD trong năm 2020.

Ông Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, khi tham gia vào các hiệp định thì nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên, vì vậy cần phải thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, truy suất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, cần phải nắm vững được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính. Từ đó khẳng định thương hiệu, vị thế của nông sản Việt Nam, đặc biệt là thủy sản ở các thị trường xuất khẩu.