22/11/2024 | 17:54 GMT+7, Hà Nội

Ngành dịch vụ chiếm 81,8% trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam

Cập nhật lúc: 12/01/2022, 06:27

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu nền kinh tế, các đơn vị hoạt động trong ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 81,8%, tiếp đến là công nghiệp - xây dựng chiếm 18%.

Chiều 11/1, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo sơ bộ kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Đây là lần thứ 2, Tổng cục Thống kê có báo cáo về vấn đề này. Trước đó, lần đầu tổng điều tra kinh tế được công bố là vào năm 2017.

Ông  Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế trung ương cho biết: Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện với nhiều điểm mới so với Tổng điều tra năm 2017.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu nền kinh tế, các đơn vị hoạt động trong ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 81,8%, tiếp đến là công nghiệp - xây dựng chiếm 18%.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu nền kinh tế, các đơn vị hoạt động trong ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 81,8%, tiếp đến là công nghiệp - xây dựng chiếm 18%.

Cụ thể, theo Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, số lượng và lao động các đơn vị điều tra năm 2020 đều tăng so với năm 2016 nhưng mức độ tăng về lao động thấp hơn so với các giai đoạn trước.

Trong đó, cả nước có gần 6 triệu đơn vị điều tra, tăng 444.700 đơn vị, tương đương tăng 8,0% so với năm 2016; số lao động trong các đơn vị điều tra là gần 26 triệu người, tăng 752.800 người, tương đương tăng 3,0%. 

Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020 tăng 1,9% về số đơn vị và tăng 0,7% về số lao động.

Cũng theo báo cáo này, số doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì mức tăng nhưng các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có dấu hiệu chững lại trong 5 năm qua.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có gần 683.600 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,3% về số doanh nghiệp và tăng 4,7% về số lao động so với năm 2016. 
Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm số doanh nghiệp tăng 7,9%; số lao động tăng 1,2%, thấp hơn mức tăng 5,1% của giai đoạn 2011-2016.

Cũng tại thời điểm trên, cả nước có 15.300 hợp tác xã với số lao động là 169.600 người, tăng 17,5% về số hợp tác xã và giảm 15,6% về lao động so với năm 2016.

Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể năm 2020 gần 5,2 triệu cơ sở với số lao động 8,5 triệu người, tăng 5,7% về số đơn vị và tăng 3,0% về số lao động so với năm 2016.

Số đơn vị sự nghiệp là 52.500  đơn vị với 2,4 triệu lao động, giảm 28,6% về số đơn vị và giảm 6,1% về số lao động so với năm 2016. Số đơn vị hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ gần 6.500 đơn vị với số lao động 37.900 người, giảm 2,7% về số đơn vị và tăng 2,5% về số lao động so với năm 2016.

Ông Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh: Trong tổng số đơn vị điều tra, khu vực dịch vụ có gần 4,9 triệu đơn vị, chiếm 81,8% (năm 2016 là 80,8%); khu vực công nghiệp – xây dựng là 1,1 triệu đơn vị, chiếm 18,0% (năm 2016 là 19,0%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,8 nghìn đơn vị, chiếm 0,2% (tương đương với năm 2016). 

Về số lao động, khu vực dịch vụ có hơn 14,2 triệu người, chiếm 53,8%, tăng 4,9% so với năm 2016; khu vực công nghiệp – xây dựng là 11,4 triệu người, chiếm 44,8%, tăng 0,8%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 349,7 nghìn người, chiếm 1,4%, giảm 0,6%.

Vùng Đồng bằng sông Hồng có số lượng đơn vị điều tra lớn nhất cả nước với 1,6 triệu đơn vị, chiếm 25,9% tổng số đơn vị điều tra của cả nước; đứng thứ hai là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 1,3 triệu đơn vị, chiếm 21,9%; Đông Nam Bộ là 1,2 triệu đơn vị, chiếm 20,6%; Đồng bằng sông Cửu Long là 1,1 triệu đơn vị, chiếm 17,9%; Trung du và Miền núi phía Bắc là 530,3 nghìn đơn vị, chiếm 8,8%; Tây Nguyên là 285 nghìn đơn vị, chiếm 4,8%.

Trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, Đông Nam Bộ thu hút tới gần 280.700 doanh nghiệp, chiếm 41,1% tổng số; Đồng bằng sông Hồng là 216.700 doanh nghiệp, chiếm 31,7%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 89.200 doanh nghiệp, chiếm 13,1%; thấp nhất là Tây Nguyên với 17.9– doanh nghiệp, chiếm 2,6%.

Nguồn: https://congluan.vn/nganh-dich-vu-chiem-818-trong-co-cau-nen-kinh-te-viet-nam-post176848.html