21/01/2025 | 05:32 GMT+7, Hà Nội

Ngân hàng giữ phong độ nhờ đón đầu “làn sóng di dân” trên không gian số

Cập nhật lúc: 14/07/2020, 13:58

Nhờ nắm bắt cơ hội và thích nghi với tình hình mới, một vài ngân hàng có tăng trưởng tốt dù chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cuối năm 2019, nhiều ngân hàng đã tự tin đưa ra dự kiến tươi sáng về mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2020, xem đây là nền tảng quan trọng để bứt phá trong thập kỷ tiếp theo. Song sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến những kỳ vọng ấy bỗng chốc trở thành muôn vàn thách thức với các nhà băng.

Covid-19 – Tội đồ của nền kinh tế hay "chất xúc tác" hiệu quả

Tại thời điểm cuối quý I đầu quý II, các công ty chứng khoán và các chuyên gia phân tích kinh tế tài chính hàng đầu đã đưa ra những dự báo khá bi quan. Hầu hết cho rằng hoạt động ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm ít nhất 10%, trong đó nhóm các "ông lớn" ngân hàng có thể phải hi sinh lợi nhuận nhiều hơn, tới 30 – 40%.

Cũng bởi lý do dịch bệnh hoành hành, mùa đại hội cổ đông thường niên của các nhà băng năm nay phải trì hoãn tới hơn 2 tháng. Trong tháng 6 vừa qua, thay vì việc hân hoan sơ kết tình hình hoạt động bán niên, thì các ngân hàng mới họp bàn cùng cổ đông về kế hoạch, đường đi cho cả năm dù thời gian còn lại để nỗ lực chỉ là 6 tháng. Và bức tranh chung của kế hoạch năm nay, trả đều từ các ngân hàng lớn đến nhà băng nhỏ, đó là sự thận trọng trong tăng trưởng, thậm chí chấp nhận tăng trưởng âm từ 10 – 20%, cùng mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn tài sản.

Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, ảnh hưởng đến tất cả mọi ngành nghề là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, xét ở một góc độ tích cực, đối với lĩnh vực ngân hàng, dịch bệnh lại đang thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đua của các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ tài chính trong tiến trình triển khai số hóa dịch vụ và thanh toán điện tử. Và trong cuộc đua này, COVID-19 được xem như một chất xúc tác hiệu quả để các ngân hàng nhanh chóng bứt phá, đón đầu làn "sóng di dân vĩ đại" trên không gian số bằng những dịch vụ, sản phẩm số siêu ưu việt.

Cái khó ló cái khôn hay quả ngọt cho những người dám tiên phong?

Số liệu của Vụ thanh toán NHNN cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng đột biến trong năm nay, tốc độ tăng trưởng về mobile banking là 200%. Thống kê hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Và những ngân hàng nào đã đi trước về công nghệ, đã tiên phong đầu tư suốt vài năm qua, đến thời điểm này có thể tận dụng cơ hội để phát huy tối đa lợ thế của mình và hái được nhiều hơn những quả ngọt.

TPBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình ngân hàng giao dịch tự động 24/7 LiveBank

Đơn cử trong hệ thống là trường hợp của TPBank. Đây là ngân hàng đã đầu tư vào số hóa khá sớm so với mặt bằng chung của hệ thống, là ngân hàng đầu tiên có ngân hàng tự động 24/7. Tới nay nhà băng này đã thành lập được gần 300 điểm ngân hàng tự động trên toàn quốc với hàng triệu lượt khách hàng, giao dịch lên đến "hàng nghìn tỷ đồng"

Nếu như năm ngoái TPBank phát triển được tính năng nhận diện vân tay để thực hiện các giao dịch tại Livebank, thì đến thời điểm hiện nay, ngân hàng này còn trình làng thêm công nghệ mới là nhận diện khuôn mặt. Với 300 máy LiveBank theo cách gọi của TPBank, hay VTM – Video Teller Machine theo tên gọi thông dụng, TPBank trở thành ngân hàng sở hữu hệ thống VTM có ứng dụng nhận diện khuôn mặt lớn nhất thế giới.

Trước đó, những sản phẩm nằm trong hệ sinh thái số của ngân hàng này cũng đã ngay lập tức đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, giúp hoạt động giao dịch về cơ bản không bị ảnh hưởng trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Ứng dụng eBank; QuickPay; Savy, hay LiveBank – mô hình "giao dịch không ngủ" là những sản phẩm công nghệ độc đáo mà ngân hàng này phát triển và được người dùng tin tưởng trong thời gian qua.

Không chỉ mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, việc đầu tư vào công nghệ số cũng giúp TPBank giảm tải hệ thống giấy tờ, tinh gọn quy trình làm việc, giảm được nhiều chi phí nhân sự, chi phí quản lý. Theo chia sẻ của đại diện TPBank về cách ngân hàng xoay mình trong thách thức: "Với quy mô tổng tài sản lên tới hơn 181 nghìn tỷ đồng, nhưng TPBank chỉ có hơn 5.300 cán bộ nhân viên tính đến cuối quý II/2020. Quy mô nhân sự này chỉ bằng khoảng 60-70% so với các NHTM có tổng tài sản tương đồng. Hai chi phí lớn nhất trong hoạt động NHTM là mạng lưới và nhân sự được TPBank giảm thiểu bằng công nghệ. Điều này giải thích vì sao đây là thành viên sở hữu tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) luôn ở nhóm thấp nhất trong hệ thống. CIR thấp qua giảm thiểu chi phí vận hành bằng công nghệ càng góp phần tạo điều kiện gia tăng lợi nhuận".

Nhờ tiên phong trong công nghệ và tiết giảm chi phí tốt, nên mặc dù dịch bệnh hoành hành, ngân hàng phải hy sinh hàng trăm tỷ lợi nhuận để hỗ trợ cho gần 10 nghìn khách hàng vượt qua khó khăn thông qua việc giảm lãi, cơ cấu lại nợ, giãn nợ… song TPBank vẫn ghi nhận kết quả tích cực.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế lên tới 2.034 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Tổng huy động vốn của ngân hàng đạt trên 162 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ dù lãi suất huy động liên tục hạ thấp. Mức tăng trưởng tín dụng của TPBank cũng cao hơn nhiều so với toàn ngành (chỉ đạt trên 3% trong 6 tháng). Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, chỉ ở mức 1,53%. Và cũng vẫn như các năm trước, "nhà băng tím" này luôn là đơn vị đầu tiên công bố kết quả kinh doanh bán niên trong toàn ngành.

Triển vọng tươi sáng

Ngoài việc tiên phong về số hóa, TPBank còn là 1 trong những ngân hàng tiên phong đáp ứng các quy định, tuân thủ các quy định của NHNN và quốc tế. Trong năm 2019, TPBank đã tất toán sớm nợ xấu tại VAMC, là 1 trong những ngân hàng đầu tiên đáp ứng Basel II về an toàn vốn. Và trong năm 2020, TPBank còn là 1 trong 5 ngân hàng đầu tiên hoàn thiện đầy đủ 3 trụ cột của Basel II.

Cuối tháng 6 vừa qua, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đã có những đánh giá mới về các ngân hàng trong hệ thống. Trong khi nhiều ngân hàng bị hạ triển vọng tín nhiệm, TPBank vẫn được Moody’s xếp ở hạng mức B1 – mức cao nhất trong nhóm các NHTM cổ phần và "là một trong bốn ngân hàng" được giữ nguyên triển vọng ổn định.

Việc đáp ứng các chuẩn về quản trị rủi ro, lại được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về nền tảng là cơ sở vững chắc cho thấy thấy triển vọng ở TPBank thời gian tới vẫn hết sức lạc quan. Với những kết quả đã đạt được trong 6 tháng, mục tiêu của cả năm 2020 đối với TPBank có lẽ không có gì khó khăn.