19/01/2025 | 19:16 GMT+7, Hà Nội

Ngăn dịch lây lan để hỗ trợ công tác điều trị

Cập nhật lúc: 17/04/2020, 20:31

Từ khi dịch Covid-19 xâm nhập Việt Nam cho đến nay, chúng ta đã ba lần cập nhật, điều chỉnh phác đồ điều trị và hiện vẫn tiếp tục cập nhật thông tin, đưa vào phác đồ điều trị những loại thuốc mới...

Từ khi dịch Covid-19 xâm nhập Việt Nam cho đến nay, chúng ta đã ba lần cập nhật, điều chỉnh phác đồ điều trị và hiện vẫn tiếp tục cập nhật thông tin, đưa vào phác đồ điều trị những loại thuốc mới, phương pháp điều trị mới; tập trung thầy thuốc giỏi nhất, những phương tiện tốt nhất để cố gắng cứu chữa cho bệnh nhân.

Dù vậy, vấn đề quan trọng nhất lúc này là kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh nhằm giúp bác sĩ rảnh tay điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.

Thực hiện tốt việc giãn cách xã hội sẽ giúp ngăn dịch lây lan trong cộng đồng. Ảnh: Tuấn Mark

Sẵn sàng các tình huống ứng phó

Cùng với việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, thành tựu y khoa từ nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã có những nghiên cứu riêng để ứng dụng vào việc điều trị cho bệnh nhân. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Trưởng Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng, vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 là chủng hoàn toàn mới. Hiện chúng ta đã có phác đồ nhưng chưa có phác đồ điều trị chuẩn, và đặc biệt là không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng. Đây cũng là khó khăn chung của các quốc gia trước dịch Covid-19. Trong thực tế, Việt Nam đang phải vừa điều trị vừa rút kinh nghiệm và cập nhật thông tin về phác đồ để việc điều trị hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dù Việt Nam đã ghi nhận những ca bệnh nặng nhưng hiện chưa có trường hợp mắc Covid-19 tử vong, đó là niềm tự hào của chúng ta. Tuy nhiên, với diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, không thể nói trước điều gì. Vì vậy, tất cả các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên phải nắm bắt được phác đồ điều trị, sẵn sàng thu dung bệnh nhân Covid-19 và chuẩn bị các tình huống ứng phó nếu dịch lan rộng trên phạm vi cả nước. Các bệnh viện không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của trung ương, mà ngay lập tức phải thực hiện phương châm “4 tại chỗ”: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Hiện nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 đã dành 300 giường bệnh tiếp nhận bệnh nhân để “chia lửa” với Hà Nội. Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nếu số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Thủ đô vượt qua con số này, Bệnh viện Bắc Thăng Long và Bệnh viện dã chiến Mê Linh sẽ là hai đơn vị đầu tiên của ngành Y tế Thủ đô tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, các bệnh viện khác của Hà Nội đã sẵn sàng với khoảng 1.000 giường bệnh được chuẩn bị để tiếp nhận bệnh nhân, điều trị. Hà Nội cũng đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó với cấp độ 4 của dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, dự trù từ 3.000 đến 5.000 giường bệnh. Ngoài ra, ngành Y tế Thủ đô đã tiến hành tập huấn phác đồ điều trị, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật cho tất cả cơ sở y tế trong toàn ngành với mục tiêu hoàn thành tốt công tác cứu chữa bệnh nhân Covid-19, giảm tối đa nguy cơ gây tử vong.

Khống chế số mắc thấp, tránh quá tải bệnh viện

Để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mắc Covid-19, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, điều quan trọng là cần khống chế số mắc thật thấp. Khi có ít bệnh nhân, các bệnh viện sẽ có điều kiện tập trung tối đa về nhân lực, trang thiết bị cho công tác chăm sóc y tế cho người bệnh. Vừa qua, hệ thống y tế dự phòng đã làm rất tốt điều này, số bệnh nhân Covid-19 được kiểm soát, tránh cho bệnh viện bị quá tải.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, các cơ sở y tế cần tăng cường dự phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện, trong cán bộ, nhân viên với nhau và giữa người bệnh với người bệnh. Mặt khác, cần chuẩn bị tốt các kịch bản cần thiết khi có nhiều bệnh nhân, nhất là với khâu cách ly, điều trị. Các cơ sở phải chủ động trang thiết bị y tế, máy thở, đồng thời tăng cường tập huấn, trau dồi kỹ năng, kiến thức nhằm sử dụng các thiết bị, máy móc một cách nhanh nhạy, hiệu quả nhất. Cùng với công tác điều trị, điều quan trọng nhất hiện nay là người dân hợp tác thực hiện giãn cách xã hội, tuân thủ khuyến cáo về việc đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn...

Theo thông tin từ ngành Y tế, những loại thuốc mà các nước phát triển thử nghiệm để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đều đã được dự trữ đủ, với khoảng 430 nghìn đến 10 triệu liều được đưa vào sử dụng khi cần. Việt Nam cũng đã hạn chế xuất khẩu những loại dược phẩm liên quan đến điều trị Covid-19. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo, trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Covid-19. Do đó, người dân không nghe theo tin đồn, cũng không nên tự sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.