19/01/2025 | 10:21 GMT+7, Hà Nội

Lớp học trực tuyến mùa dịch Covid-19: Bảo mật như thế nào?

Cập nhật lúc: 17/04/2020, 20:25

Học sinh chỉ được vào lớp học khi đăng nhập bằng mật khẩu và được giáo viên đồng ý, lập phòng chờ, tuyệt đối không được cung cấp ID, mật khẩu cho người khác… là những yêu cầu bắt buộc mà các lớp học trực tuyến...

Học sinh chỉ được vào lớp học khi đăng nhập bằng mật khẩu và được giáo viên đồng ý, lập phòng chờ, tuyệt đối không được cung cấp ID, mật khẩu cho người khác… là những yêu cầu bắt buộc mà các lớp học trực tuyến ở nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đề ra với cả giáo viên và học sinh để đảm bảo an toàn lớp học…

Nỗi lo về những “lỗ hổng bảo mật”

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, học sinh tiếp tục phải nghỉ học, nhằm giúp học sinh được học tập chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cho đến thời điểm hiện tại, đa số trường học ở Hà Nội đã triển khai học trực tuyến.

Các ứng dụng được sử dụng phổ biến khi dạy học trực tuyến có thể kể đến như Zoom Cload meeting, Microsoft Team… 111Trong đó, ứng dụng video trực tuyến Zoom đang được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam (chỉ riêng khối trường học có ít nhất 158 trường có học trực tuyến thông qua Zoom).

Cô giáo Đỗ Thị Phương Mai - giáo viên Mỹ thuật trường Tiểu học Văn Yên dạy học trực tuyến cho học sinh

Chính vì vậy, những ngày qua, thông tin về rò rỉ dữ liệu từ ứng dụng này ở nhiều quốc gia trên thế giới khiến nhiều phụ huynh, thầy cô cảm thấy hoang mang, lo lắng.

Chị Trần Phương Thu (phụ huynh của học sinh lớp 2 ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Theo dõi thông tin trên báo chí, tôi thấy ở một số nước cấm sử dụng phần mềm Zoom sau khi phát hiện những lỗ hổng bảo mật. Việc học sinh đang học trực tuyến nhưng lại xen vào đó những hình ảnh phản cảm khi bị kẻ xấu đột nhập khiến phụ huynh hoang mang. Dù lớp học của con tôi chưa có chuyện này xảy ra nhưng tôi cũng phải theo sát cháu hơn trong mỗi buổi học”.

Phụ huynh lo một thì các thầy, cô giáo lo gấp mười. Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, lo lắng cho sự an toàn của học sinh khi học online nên những ngày này, bộ phận kỹ thuật của nhà trường phải làm việc liên tục không kể giờ hành chính hay ngoài hành chính. Việc giám sát các tài khoản đăng nhập luôn được thực hiện sát sao.

“Tôi yêu cầu giáo viên phải báo cáo liên tục kết quả của việc học trực tuyến, sĩ số lớp học, những diễn biến bất thường trong buổi học. Cả học sinh và giáo viên đều phải tuân thủ nội quy lớp học: Không tiết lộ ID và mật khẩu, lập phòng chờ đợi giáo viên vào duyệt mới được vào lớp học, tắt các tính năng không cần thiết trong khi học”, cô Thìn chia sẻ.

Chủ động tiếp thu khoa học công nghệ

Để tăng tương tác, tạo hứng thú cho học sinh, giáo viên của lớp học trực tuyến đã không ngừng làm mới phương pháp, thiết kế trò chơi trực tuyến, đặt ra thử thách theo từng mức độ khác nhau.

Học sinh lớp 1A1, trường Tiểu học Thúy Lĩnh tự tin trình bày về các bộ phận của cây rau trong tiết Tự nhiên và Xã hội

Luôn trăn trở với việc truyền tải kiến thức đến học trò từ hình thức học trực tuyến, cô Nguyễn Thị Thanh Bình (giáo viên lớp 2 trường Tiểu học Văn Yên) đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về các ứng dụng trước khi bắt đầu triển khai theo kế hoạch của nhà trường. Cô Bình chia sẻ: “Vì là lần đầu tiên dạy học online nên có rất nhiều kỷ niệm, nhiều câu chuyện hài hước. Ví dụ như những hình ảnh “hậu trường” của học sinh, cảnh sinh hoạt của gia đình, tiếng em bé khóc… Sau đó, mình đã trao đổi lại với phụ huynh, tắt các chức năng không cần thiết ở lớp học. Phụ huynh đều phối hợp rất tốt và các con khá tuân thủ nội quy lớp học”.

Để nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, trường Tiểu học Thúy Lĩnh là đơn vị đầu tiên của cấp Tiểu học - quận Hoàng Mai, Hà Nội đã tổ chức 3 chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn về dạy học trực tuyến qua phần mềm Zoom Cloud Meeting để góp phần giúp các giáo viên nắm chắc kỹ thuật và các phương pháp dạy học trực tuyến.

Cô Đàm Thị Kim Dung – Hiệu trưởng trường Tiểu học Thúy Lĩnh - chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu học sinh phải nghỉ học để chống dịch, nhà trường đã triển khai cho giáo viên dạy học online, dạy học trực tuyến với nhiều hình thức học trực tuyến qua phần mềm VioEdu, trang olm.vn, qua hộp thư điện tử riêng của từng lớp hay nhóm Zalo…

Để tiếp cận kịp thời việc bổ sung kiến thức cho học sinh, đón đầu việc dạy học kiến thức mới cho học sinh, nhà trường đã triển khai ngay chương trình tập huấn giảng dạy trên zoom.us và hỗ trợ xin cấp tài khoản giáo dục qua phần mềm Microsoft Team để khắc phục giới hạn qua ứng dụng Zoom.

Cô Kim Dung cũng cho biết, qua khảo sát phụ huynh của nhà trường trên hệ thống Microsoft Form, trường đã nhận được sự đồng thuận và chia sẻ chân thành của cha mẹ học sinh trong việc thực hiện dạy học trực tuyến.

Để có những thành công bước đầu như vậy, ở thời điểm đầu học sinh phải nghỉ học trường Tiểu học Thúy Lĩnh đã chủ động và tiên phong thực hiện dạy học trực tuyến qua zoom. Các thầy cô đã thành thạo những kỹ năng cơ bản như cách tạo một tài khoản trên Zoom để không bị giới hạn về thời gian, cách làm thế nào để vừa viết bảng đen vừa dạy online với Zoom một cách chuyên nghiệp, cách kiểm soát tính năng viết vẽ lên màn hình trong phần mềm Zoom…

Bày tỏ sự đồng thuận và chia sẻ với thầy cô trong thời điểm học sinh vẫn phải tiếp tục nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, chị Nguyễn Thanh Thủy - phụ huynh lớp 2A3 chia sẻ: “May mắn là vẫn có chương trình học từ xa cho các con, rất vất cho các thầy cô nhưng nhờ vậy mà các con vẫn được bổ sung kiến thức! Cảm ơn nhà trường và các thầy cô giáo”.