Ngàn container phế liệu quá hạn "bủa vây" các cảng biển
Cập nhật lúc: 16/07/2019, 05:00
Cập nhật lúc: 16/07/2019, 05:00
Cục Hàng hải Việt Nam vừa cho biết, hiện có 8.584 container quá hạn trên 90 ngày vẫn đang nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt" tại các cảng biển, chưa có "tác giả" đến nhận… Số lượng lớn container quá hạn đang gây khó khăn cho doanh nghiệp cảng giải phóng bến, bãi để tiếp nhận những lô hàng mới...
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, theo thống kê mới nhất của Tổng Cục Hải quan, số container khai báo trên E-manifest là phế liệu hiện lưu giữ tại các cảng biển là 13.737 container, giảm 7.217 container so với cuối năm 2018. Trong đó, có 5.150 container lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày, 3 container lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày. Số lượng container tồn đọng trên 90 ngày vẫn còn đến 8.584.
“Số container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày kể trên đã được đăng thông báo rộng rãi nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa có đơn vị nhập khẩu đến nhận”, đại diện Cục Hàng hải thông tin.
Trước đó, thực hiện Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi các hãng tàu biển, doanh nghiệp cảng biển triển khai đề xuất chủ trương miễn giảm giá dịch vụ lưu container, lưu bãi cho doanh nghiệp chủ hàng nhập khẩu; Đồng thời liên tục “thúc” các hãng tàu biển báo cáo thông tin về các chủ hàng của lô hàng phế liệu đang tồn tại cảng biển; Thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý.
Cục Hàng hải cũng yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh cảng phải kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định.
Trường hợp hàng hóa đã dỡ xuống cảng nhưng cơ quan hải quan, môi trường kiểm tra phát hiện là chất thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định hiện hành.
Nhập khẩu về rồi để đấy: Vì sao?
Còn nhớ cách đây gần 1 năm, chia sẻ tại một buổi họp báo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh, tình trạng nhập khẩu phế liệu đã và đang gia tăng tại các cảng biển tại Việt Nam. Nhiều container nhập khẩu phế liệu về cảng như vô chủ, không ai đến nhận, gây khó khăn trong công tác tập kết. Số lượng container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng và Cát Lái (TP. HCM) lên khoảng 5.000 chiếc.
Số container tồn tại Cát Lái tính đến ngày 25/7/2018 là 3.579 container trong đó có 594 container tồn 30 - 90 ngày; 2.423 container tồn quá 90 ngày; còn lại là dưới 30 ngày.
Trả lời báo chí về trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc để xảy ra tình trạng nhập lậu phế liệu tràn lan vào Việt Nam, ông Mai Xuân Thành cho rằng cơ quan này chỉ là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm soát thông quan. Trong khi việc cấp phép nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam là thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Nhật, Mỹ, Hàn Quốc là 3 quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhất thời gian qua |
Thủ tục nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam còn nhiều kẽ hở khiến cho doanh nghiệp lợi dụng, trong khi cơ quan chức năng rất khó điều tra, xử lý.
Ông Nguyễn Khánh Quang, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) cho biết, danh sách doanh nghiệp được chứng nhận nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất được cấp bởi Bộ TN&MT. Danh sách này chưa hề được đăng lên cổng thông tin một cửa quốc gia, do đó hải quan và các cảng biển khó có thể biết được doanh nghiệp nào được cấp phép, doanh nghiệp nào không.
Ngoài ra, thủ tục thông quan khi doanh nghiệp nhập khẩu cũng có kẽ hở, hoàn toàn có thể giả mạo khiến việc quản lý rất khó khăn. Chưa kể, Sở TN&MT các địa phương cũng có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu phế liệu.
Với các container tồn đọng tại cảng, cơ quan chống buôn lậu cũng khó có thể tìm được chủ nhân thực sự.
“Chúng tôi mời họ không tới nhận, đến trụ sở thì lại không có thật. Ngoài ra còn phải đối chiếu giấy chứng nhận bản gốc bên Bộ TN&MT cấp. Quy trình điều tra một doanh nghiệp nhập lậu phế liệu hay bỏ tại cảng rất khó khăn”, ông Khánh nói.
Nhà nghiên cứu Baptiste Monsaingeon khi nói đến việc Đông Nam Á không muốn làm “bãi rác của thế giới” đã nhận định, “bãi rác của thế giới” có hai cách hiểu. Thứ nhất, trong thời gian dài, khoảng 20 năm, nhiều nước Đông Nam Á và đặc biệt là Trung Quốc được dùng làm nơi đón nhận xuất khẩu rác, tái chế rác thải của các nước phương Bắc. Nói một cách khác, hơn 80% rác thải nhựa của cả thế giới đều chuyển hướng về phía Trung Quốc, Hồng Kông, từ khoảng những năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách cải cách được chủ tịch Tập Cận Bình cho áp dụng, hai lần liền, Trung Quốc đã cấm nhập rác thải nhựa. Quyết định này đã dẫn đến những hậu quả trực tiếp đối với châu Á. Hai đợt cải cách mang tên “Hàng rào xanh”, được triển khai vào năm 2015 và 2017, trên thực tế là áp đặt tỉ lệ tinh khiết đối với rác thải nhập khẩu cao đến mức gần như không thể xuất khẩu rác thải nhựa sang Trung Quốc. Trong một thời gian dài, phần lớn rác thải trên thế giới được dồn về vùng Đông Nam Trung Quốc và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến một số nước lân cận, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Ngay trong thập niên 1980, 1990, những quốc gia này bắt đầu phát triển rất nhiều hoạt động phụ thuộc vào vùng Đông Nam Trung Quốc. Vì vậy, dĩ nhiên quyết định của Trung Quốc đã tác động mạnh đến cách tổ chức thị trường tái chế rác ở các nước lân cận. Chúng ta biết là một khối lượng rác thải nhựa, thay vì đến Trung Quốc và Hồng Kông, nay tìm cách hướng sang Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Và những nước này phải chật vật đối phó trước khối lượng phế thải nhựa quá tải. Theo thông tin mới nhất, kể từ ngày 1/1/2025, Việt Nam sẽ chỉ cho nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm nhựa có giá trị cao, không cho nhập phế liệu về sản xuất các sản phẩm trung gian như hạt nhựa hay bột giấy. |
Nguồn: https://tbck.vn/ngan-container-phe-lieu-qua-han-bua-vay-cac-cang-bien-42185.html
12:10, 13/07/2019
07:00, 02/07/2019
16:00, 08/05/2019