Ngăn chặn việc giả mạo trong hoạt động công chứng
Cập nhật lúc: 16/06/2019, 08:00
Cập nhật lúc: 16/06/2019, 08:00
Đã có những trường hợp một người dùng một hoặc nhiều tài sản (thật hoặc ảo) với giấy tờ giả, thủ đoạn khác nhau đã lừa được hàng chục lần, chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức và đã “qua mặt” được nhiều CCV của các tổ chức hành nghề công chứng khác nhau…
Có trường hợp được thuê đóng thế vai không chỉ một lần mà nhiều lần với giá từ vài triệu đồng; có rất nhiều trường hợp CCV là nạn nhân không phải chỉ riêng các VPCC mà kể cả CCV của các Phòng công chứng Nhà nước, địa bàn không chỉ tập trung ở các đô thị mà các tỉnh cũng đều có. Riêng TP HCM, theo Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự cho biết, trung bình mỗi năm phòng tiếp nhận 700-800 vụ trưng cầu giám định, đã phát hiện rất nhiều trường hợp làm giả giấy tờ, phổ biến nhất là chủ quyền nhà đất, CMND, giấy đăng ký xe… Về thiệt hại vật chất, tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng qua báo chí, có ngân hàng đã bị lừa cả ngàn tỷ đồng với đống giấy tờ giả, có cá nhân đã bị chiếm đoạt hàng chục, hàng trăm tỷ đồng với hình thức giả mạo giấy tờ hoặc chủ thể qua mặt được công chứng.
Vi phạm trong hoạt động công chứng xảy ra không ít, nhưng việc xử lý hình sự đối với người yêu cầu công chứng vi phạm lại chưa nhiều. Ảnh minh họa |
Bên cạnh việc xử lý hình sự, thì về phần dân sự, hiện nay, riêng ở TP HCM đang có hàng trăm vụ, việc đang được TAND các cấp đã, đang thụ lý, giải quyết, trong đó có rất nhiều vụ liên quan đến giả mạo, yêu cầu tuyên bố VBCC vô hiệu, và có nguy cơ khả năng tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường, nếu trong quá trình xét xử chứng minh được CCV có lỗi khi chứng nhận.
Được biết, Bộ Tư pháp đã có đề án liên thông giữa Công chứng-Thuế-Đăng ký. Điều này được cho là góp phần hết sức quan trọng trong việc hạn chế tình trạng lừa đảo, giả mạo. Còn theo quy định pháp luật hiện hành: Về trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự đã có tội Lừa đảo; Lạm dụng tín nhiệm; Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Về trách nhiệm hành chính, Chính phủ đã có Nghị định số 110/2013 năm 2013, Nghị định số 67/2015 năm 2015 trong đó có một mục riêng quy định về các hành vi và hình thức xử phạt trong hoạt động công chứng. Nhưng việc xử phạt theo quy định của luật hình sự và hành chính hiện hành có vẻ còn chưa đủ mức phòng ngừa, răn đe, trừng phạt; cách thức xử lý có khi còn chưa triệt tận gốc.
Thực tế, vi phạm trong hoạt động công chứng xảy ra không ít, nhưng việc xử lý hình sự đối với người yêu cầu công chứng vi phạm lại chưa nhiều. Nguyên nhân, vì theo quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng thì chỉ khi nào có đầy đủ căn cứ như bắt quả tang đối tượng có dụng cụ, phương tiện in ấn, làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan Nhà nước hoặc phải có hậu quả thiệt hại thực tế xảy ra mới xử lý được tội “Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Nhiều chuyên gia cho rằng, quan điểm về xử lý việc giả mạo, chiếm đoạt trong lĩnh vực công chứng, cần thiết cũng nên có thay đổi. Bởi lẽ, khi người yêu cầu công chứng có hành vi giả mạo với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, đây là hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội.
Việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời là nguyên nhân khách quan làm cho việc chiếm đoạt tài sản của đối tượng có hành vi giả mạo không thực hiện được. Ở đây, nên hiểu cấu thành vật chất đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 BLHS không phải là hành vi trái pháp luật này phải gây ra hậu quả trên thực tế mà cần thống nhất hiểu là giá trị vật chất cụ thể mà đối tượng hướng tới với mong muốn chiếm đoạt. Điều này không phải là vấn đề khó chứng minh thông qua nội dung hợp đồng, giá trị tài sản mà các bên đã thỏa thuận khi giao dịch. Với phân tích ở trên, việc xử lý tội “ lừa đảo, chiếm đoạt” hay tội “Làm giả giấy tờ” không cứng nhắc một chiều là đã có hậu quả hay chưa, đã chiếm đoạt được hay không mới có thể kết tội. Đây nên xem là tình tiết trong việc lượng hình, còn khi đã có hành vi giả mạo được phát hiện thì nên cân nhắc xem xét xử lý để truy tố hành vi vi phạm theo giai đoạn: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm đã hoàn thành, có lẽ hợp lý hơn.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/ngan-chan-viec-gia-mao-trong-hoat-dong-cong-chung-151920.html
14:06, 11/06/2019
16:00, 10/06/2019
08:00, 09/06/2019