19/01/2025 | 10:31 GMT+7, Hà Nội

Kiên quyết ngăn chặn lạm dụng, trục lợi BHYT

Cập nhật lúc: 09/06/2019, 08:00

Đó là quyết tâm của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tại Hội nghị giao ban thực hiện chính sách BHYT do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì.

 Theo báo cáo, tính đến hết quý I/2019, Bộ Tài chính cùng với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất trình Chính phủ ban hành Quyết định 22/QĐ-TTg về dự toán chi KCB BHYT năm 2019; đồng thời, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 01/TT-BYT quy định việc điều trị nội trú ban ngày tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Về Đề án sửa đổi Luật BHYT, Bộ Y tế đang hoàn thiện báo cáo và phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá thực hiện luật và khuyến nghị, định hướng sửa đổi Luật BHYT.Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong thực hiện pháp luật về BHYT. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong việc áp dụng bộ mã danh mục dùng chung, trích chuyển dữ liệu khi có sự thay đổi quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 39/2018/TT-BYT. Đặc biệt, trong năm 2019, Bộ Y tế mong muốn phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính xây dựng Biên bản ghi nhớ hợp tác chung với cơ quan Đánh giá và Giám định BHYT Hàn Quốc để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sử dụng dịch vụ y tế, giám định, thanh toán chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo về BHYT. Ông Khảm cũng nhấn mạnh, hiện nay vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT, rất cần sự thống nhất giải quyết, phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. 

Kiên quyết ngăn chặn lạm dụng, trục lợi BHYT - Ảnh 1Ảnh minh họa

 Ông Nguyễn Tá Tỉnh- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Tính đến hết quý I/2019, cả nước có trên 83,4 triệu người tham gia BHYT, đạt 98% kế hoạch, trong đó có 15,7 triệu người tham gia theo diện hộ gia đình, với tổng số thu đạt 22,2% kế hoạch Chính phủ giao. Trong khi đó, tổng chi khám chữa bệnh BHYT trong toàn quốc là 22.697 tỉ đồng, với hơn 41,7 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Cũng trong năm nay, cả nước có 2.429 cơ sở khám chữa bệnh được ký hợp đồng khám chữa BHYT, tăng 113 cơ sở so với năm ngoái; tỉ lệ liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc đạt 97,82%.

Đối với tình hình thực hiện dự toán chi năm 2019, BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động báo cáo UBND tỉnh thông báo số tạm giao kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho từng cơ sở khám chữa bệnh ngay từ tháng 1/2019, để các cơ sở chủ động sử dụng hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế ban hành kế hoạch chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí theo dự toán đã được Thủ tướng giao…Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cũng chỉ rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể: Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 146; Thông tư 39 về giá dịch vụ khám chữa bệnh còn nhiều quy định chưa rõ ràng; quy định cấp chứng chỉ hành nghề, bổ sung phạm vi chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề, thực trạng đăng ký hành nghề còn bất cập, không rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thanh toán. Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng chưa có văn bản hướng dẫn về hệ số k; về quy định thanh toán tiền giường điều trị ban ngày; còn xảy ra hiện tượng giá vật tư y tế trúng thầu có sự chênh lệch lớn; còn tình trạng thu gom người bệnh, nhất là tại các cơ sở khám chữa bệnh y dược dân tộc, phục hồi chức năng…Vì vậy, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể, tiết kiệm trong việc sử dụng quỹ và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ Y tế cần sớm trả lời 2 văn bản về xác định nhóm tiêu chuẩn của thuốc dự thầu và hướng dẫn thực hiện thí điểm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia do BHXH Việt Nam tổ chức…

Nhấn mạnh những vướng mắc, tồn tại trên đang ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị Bộ Y tế cần quan tâm, nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, đồng bộ, để cùng với BHXH Việt Nam tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách BHYT. Đặc biệt, theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, các đơn vị của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần thống nhất triển khai mô hình giám định BHYT theo tỉ lệ, theo chuyên đề để vừa phù hợp thực tiễn, vừa nhằm hạn chế trục lợi quỹ. Bên cạnh đó, cùng đồng hành và phối hợp chặt chẽ trong việc thẩm định nguyên nhân vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT.

Đề cao vai trò của hội nghị giao ban giữa hai ngành, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ phải tăng cường hơn nữa quy chế phối hợp. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ có văn bản trả lời thấu đáo, kịp thời đối với các đề xuất của BHXH Việt Nam; đồng thời đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các địa phương triển khai thực hiện theo quy định.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những thành tựu mà hai ngành đạt được liên quan chỉ tiêu bao phủ BHYT, công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt là những danh mục dịch vụ y tế đặc biệt, thuốc chữa ung thư cho người dân cũng được quỹ BHYT chi trả. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, hai ngành cần tiếp tục phối hợp đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia BHYT, đảm bảo các cơ sở khám chữa bệnh có nguồn thu hợp lý, xứng đáng và đặc biệt phải đảm bảo minh bạch chính sách, cân đối, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ.

Nguồn: http://baodansinh.vn/kien-quyet-ngan-chan-lam-dung-truc-loi-bhyt-d99059.html