19/01/2025 | 02:31 GMT+7, Hà Nội

Ngạc nhiên với cách kiếm tiền tỷ từ trồng dâu tây kỹ thuật mới hiếm từng thấy

Cập nhật lúc: 16/10/2017, 15:00

Không trồng dưới mặt đất, cũng chẳng trồng trên giàn, dâu tây giống New Zealandđược ông Nguyễn Thanh Trúc (42 tuổi), ngụ tại Trại Mát, phường 11, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được treo lơ lửng thành từng hàng cách mặt đất trên 1m.

Bước vào vườn của gia đình ông Nguyễn Thanh Trúc chắc chắn người khó tính nhất trong sản xuất nông nghiệp cũng phải trầm trồ, ngạc nhiên. Từng hàng dâutây treo thẳng tắp, lơ lửng trên không, cách mặt đất đều trên 1m ra trái sai trĩu giàn.

Ông Nguyễn Thanh Trúc bên vườn dâu tây treo lơ lửng

Ông Nguyễn Thanh Trúc bên vườn dâu tây treo lơ lửng

Nhiều tháng qua, lứa dâu tây được trồng trên diện tích 9.000m2 hằng ngày đều đặn cho thu hoạch từ 40 - 150kg tùy thời vụ. Bán trung bình với giá từ 150.000 - 200.000 đ/kg tại vườn. Nếu tínhcả năm gia đình ông thu về cả tỷ đồng tiền lãi.

Kỹ thuật trồng dâu tây treo lơ lửng này được ông Nguyễn Thanh Trúc học tập ở các nước có nền nông nghiệp phát triển. Theo ông, cách trồng dâu tây này khá hiệu quả. Thứ nhất, tiết kiệm được đất, tăng số lượng cây trên cùng diện tích. Thứ hai, giúp cách ly mầm bệnh từ đất. Thứ ba, giảm chi phí đầu tư như phân bón vì chất dinh dưỡng không bị ngấm xuống lòng đất, không phải phun thuốc trừ sâu do cây hầu như không bị sâu bệnh. Thứ tư là giúp trái sạch, chất lượng cao. Thứ năm, thu hoạch thuận tiện, dễ dàng!...”.

Ông Nguyễn Thanh Trúc thu hoạch dâu tây

Ông Nguyễn Thanh Trúc thu hoạch dâu tây

Từ năm 2013, ông Trúc đã mạnh dạn chuyển đổi 500m2 diện tích chuyên trồng hoa cúc để làm thử dâu tây bằng kỹ thuật treo trên không. Theo nông dân này, để treo được những hàng dâu tây đòi hỏi nhà kính phải làm thật kiên cố bằng khung sắt chắc chắn, cao trên 5m, thông thoáng, chi phí đầu tư đều trên 200 triệu đồng/1.000m2. Các hàng dâu tây được cố định bằng khung sắt bọc ni lông.

Chất liệu dùng để trồng không phải bằng đất mà là xơ dừa xay nhỏ, ủ mục cùng phân hữu cơ. Việc châm phân, dinh dưỡng được hòa vào nước, dẫn tới từng gốc dâu tây qua hệ thống tưới tự động. Mỗi ngày hệ thống này hoạt động từ 8 - 10 lần, đẩy nước, chất dinh dưỡng lên cho cây. Nước tưới, phân bón, chất dinh dưỡng khác nếu cây không dùng hết sẽ được dẫn về bể chứa để tái sử dụng nên không gây lãng phí, giảm được đáng kể giá thành sản xuất.

Ban đầu, cây dâu tây của gia đình ông Trúc phát triển không đồng đều mặc dù đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất. Về sau, ông Trúc nghi ngờ có thể do tưới nước giếng khoan là nguyên nhân khiến cây dâu tây sinh trưởng không như ý nên đã lấy mẫu nước đưa tới Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt phân tích.

Vườn dâu tây của ông Nguyễn Thanh Trúc cho thu hoạch quanh năm

Vườn dâu tây của ông Nguyễn Thanh Trúc cho thu hoạch quanh năm

Kết quả cho thấy một số hoạt chất có trong nước giếng khoan lấy quá sâu dưới lòng đất đã gây bất lợi cho cây trồng là nguyên nhân khiến cho vườn dâu tây phát triển không đồng đều.

Để loại bỏ nguyên nhân trên, gia đình ông Trúc đã chuyển toàn bộ sang tưới bằng nước máy. Mặc dù tưới bằng nước máy nhưng không gây tốn kém vì lượng nước tưới theo hình thức trồng dâu tây treo không bị ngấm xuống đất. Nước không sử dụng hết sẽ được thu gom qua hệ thống và tái sử dụng.

Ông Trúc chia sẻ, khó khăn nhất trong việc trồng dâu tây treo là “căn” chế độ dinh dưỡng cho cây. Mỗi thời điểm, mùa vụ thì cây dâu lại đòi hỏi nguồn dinh dưỡng ít nhiều khác nhau. Việc xác định đúng nhu cầu dinh dưỡng để cung cấp cho cây đòi hỏi người trồng phải nhạy cảm, tinh tế và có bề dày về kinh nghiệm. Chế độ dinh dưỡng sẽ quyết định đến sự phát triển khỏe mạnh, tránh được sâu bệnh gây hại và chất lượng trái.

Do “bắt” được bệnh qua chế độ dinh dưỡng và cách ly mầm bệnh qua chân không mà những năm qua, vườn dâu tây treo lơ lửng của ông Trúc rất hiếm khi bị nhiễm bệnh gây hại trong khi loại cây trồng này khá mẫn cảm với thời tiết.

Từ năm 2013 đến nay, gia đình ông Nguyễn Thanh Trúc không ngừng mở rộng diện tích trồng dâu tây. Tất cả được trồng theo hình thức treo lơ lửng, cách mặt đất khoảng 1,3m. Mật độ gieo trồng khoảng 1.200 cây/1.000m2 trong nhà kính. Ngoài hệ thống tưới nhỏ giọt đến tận gốc dâu, còn có quạt gió, tưới phun sương làm mát cây. Nhiệt độ lý tưởng để cây dâu tây sinh trưởng và phát triển là dưới 16oC.

Theo ông Trúc, đối với loại cây trồng này, càng lạnh lại cho ra trái càng nhiều và chất lượng càng cao. Cây dâu tây trồng khoảng 45 ngày thì bắt đầu đều đặn cho thu hoạch quả. Mỗi lứa cho trái khoảng 12 tháng thì mới phải thay cây giống khác. Sản phẩm dâu tây tươi của gia đình ông Trúc được một số đối tác nhập về cung cấp cho siêu thị, nhà hàng...

Mặc dù canh tác với diện tích khá lớn, sản phẩm thu hái hằng ngày nhiều nhưng chưa khi nào loại sản phẩm này của ông Trúc lâm vào ế ẩm. Ngoài bán sỉ vào các hệ thống này, ông còn đóng gói dâu tây vào hộp giấy để bán lẻ cho du khách.

Đến nay, gia đình ông Trúc đã bỏ hẳn nghề trồng hoa cúc truyền thống, chuyển sang trồng dâu tây với diện tích lên tới 9.000m2. So với trồng cúc, cây dâu tây cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Ông Trúc đã tiên phong áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.