Nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ sẽ kéo dài đến hết tháng 6
Cập nhật lúc: 24/06/2020, 19:00
Cập nhật lúc: 24/06/2020, 19:00
PV: Thưa ông, Trung tâm có nhận định như nào về đợt nắng nóng đang diễn ra ở miền Bắc, miền Trung (về cường độ, thời gian, phạm vi). Và đợt nắng nóng trong tháng 6 năm nay so với trung bình nhiều năm ra sao?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Đợt nắng nóng đang diễn ra tại khu vực Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung có sự khác biệt nhau về thời điểm bắt đầu; ở khu vực Bắc Bộ từ ngày 18/6 nắng nóng bắt đầu xuất hiện ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đến ngày 21/6 thì mở rộng ra toàn Bắc Bộ, trong đó các ngày từ 22-24/6 là khoảng thời gian nắng nóng xảy ra gay gắt nhất ở khu vực Bắc Bộ, nhiệt độ cao nhất tại Bắc Bộ phổ biến từ 36-39 độ, một số nơi có nhiệt độ cao hơn như Láng (Hà Nội) 40,2 độ; Phủ Lý (Hà Nam) 39,9 độ,…
Còn ở miền Trung nắng nóng bắt đầu từ ngày 16/6 ở khu vực Bắc Trung Bộ, đến này 18/6 thì xảy ra trên diện rộng ở hầu khắp các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, và nắng nóng gay gắt xuất hiện liên tục từ ngày 21/6 tới nay với mức nhiệt cao nhất trong ngày phổ biến từ 37-40 độ, một số nơi có nhiệt độ cao hơn như Đô Lương (Nghệ An) 41,2 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 41,1 độ .
Trung bình nhiều năm (TBNN) số ngày nắng nóng trong tháng 6 ở Bắc Bộ đại diện là Hà Nội khoảng từ 8-10 ngày nắng nóng trên 35 độ; tại Trung Bộ số ngày nắng nóng trung bình trong tháng 6 phổ biến trong khoảng từ 15-20 ngày. Như vậy so với TBNN đợt nắng nóng này số ngày đạt nắng nóng đã vượt so với trung bình. Nếu so với tháng 6 năm 2019 thì số ngày nắng nóng tương đương, nhưng mức độ nắng nóng không gay gắt bằng năm 2019 vì nhiệt độ tháng 6/2019 tại Quỳ Hợp (Nghệ An) còn lên tới 43,0 độ cao vượt giá trị lịch sử trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia
PV: Xin ông cho biết về tình hình nắng nóng trong thời gian còn lại của mùa hè năm nay ở miền Bắc, miền Trung?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Đợt nắng nóng này được dự báo có khả năng còn kéo dài đến hết tháng 6, sau đó mới có xu hướng kết thúc ở Bắc Bộ trong khoảng ngày 2-3/7, còn tại miền Trung nắng nóng cũng có thể suy giảm vào thời điểm này, chỉ còn diễn ra cục bộ và không quá gay gắt.
Nhận định, nắng nóng sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong tháng 7 và một số ngày trong tháng 8 ở Bắc Bộ và kéo dài sang tháng 8 ở miền Trung. Riêng với khu vực miền Trung (đặc biệt các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên) trong tháng 7 và tháng 8/2020 vẫn có thể xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài khoảng 10 ngày.
PV: Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội chịu ảnh hưởng của hiện tượng đảo nhiệt đô thị khiến cho khu vực nội đô, trung tâm thành phố, nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới hơn 60 độ. Trung tâm có ghi nhận tình trạng này không và ông có thể cho biết nguyên nhân và giải pháp?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Tất cả các đô thị lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng của hiện tượng đảo nhiệt do trong quá trình xây dựng và phát triển các đô thị, cây xanh và hồ điều hòa đã được thay thế bằng các khối bê tông, cốt thép, các cung đường trải nhựa nên hấp thụ và toả nhiệt lớn dẫn đến nhiệt độ tại các đô thị thường cao hơn so với xung quanh.
Về giải pháp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị là chúng ta phải trồng nhiều cây xanh, tăng các hồ điều hòa… Theo tiêu chuẩn đo lường quốc tế về khí tượng, nhiệt độ đo đạc trên toàn cầu đều phải thực hiện đúng quy chuẩn, đó là đo nhiệt độ không khí ở độ cao 2m. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, ngành KTTV không có đo nhiệt độ tại các bề mặt khác nhau.
PV: Xin chân thành cám ơn ông!
07:21, 24/06/2020
06:40, 24/06/2020
06:00, 24/06/2020