Năm thứ tư liên tiếp xuất khẩu cán mốc kỷ lục
Cập nhật lúc: 14/12/2019, 06:00
Cập nhật lúc: 14/12/2019, 06:00
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Tại buổi Họp báo thường kỳ ngày 12/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7 - 8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Tỉ trọng của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung cũng tăng lên mức 30,95% so với 29,16% của 11 tháng năm 2018.
“Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12/2019. Đây là năm thứ tư liên tiếp xuất khẩu cán mốc kỷ lục”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.
Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một vấn đề được lãnh đạo Bộ Công Thương nhắc đến là nguy cơ hàng hóa Trung Quốc có thể qua Việt Nam lẩn tránh thuế vào thị trường Mỹ trong đó, điển hình là ngành gỗ của Việt Nam với sự tăng đột biến về trị giá xuất nhập khẩu của mặt hàng gỗ dán.
“Để hạn chế tình trạng trên, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ. Mục tiêu nhằm tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước”, Thứ trưởng cho hay.
08:00, 10/12/2019
06:40, 10/12/2019
19:00, 06/12/2019