18/01/2025 | 17:51 GMT+7, Hà Nội

Năm 2020, xử phạt vi phạm hành chính 6.154 cơ sở về an toàn thực phẩm

Cập nhật lúc: 26/02/2021, 17:21

UBND thành phố Hà Nội vừa có Báo cáo số 51/BC-UBND về kết quả công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố năm 2020.

Theo báo cáo, Hà Nội hiện có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 673 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.044ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu. 

Để bảo đảm công tác ATTP, năm 2020, thành phố triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm gắn với trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức. Toàn thành phố đã tổ chức trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP...

Kết quả đã thanh tra, kiểm tra 107.020 lượt cơ sở, phát hiện cơ sở vi phạm, đồng thời, phạt tiền 6.154 cơ sở; tiêu hủy 173 con gia cầm, 177kg thịt, 142kg thịt lợn, 1.049kg thịt gia cầm và 1.700kg sản phẩm động vật khác làm thực phẩm không rõ nguồn gốc, 1,3 tấn mì chính giả, 2 tấn thực phẩm chức năng... 

Năm 2020, xử phạt vi phạm hành chính 6.154 cơ sở về an toàn thực phẩm
Năm 2020, xử phạt vi phạm hành chính 6.154 cơ sở về an toàn thực phẩm

Năm 2020, toàn thành phố cấp được 1.339 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 1.154 giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm, 166 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm, 7.153 bản tự công bố sản phẩm, 3.446 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Từ thực tiễn trong công tác quản lý, năm 2021, UBND thành phố triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác ATTP của các cấp, các ngành, triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về ATTP của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm ATTP. Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về ATTP trên địa bàn thành phố, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành thành phố và UBND quận, huyện, thị xã. 

Các cấp, các ngành thành phố cũng chủ động, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông. Tăng cường truyền thông về lựa chọn thực phẩm an toàn, nâng cao sức đề kháng cơ thể trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Đẩy mạnh công tác thông tỉn truyền thông thường xuyên từ thành phố đến xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Xử lý kịp thời các thông tin phản ánh mất ATTP...

Chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn thành phố, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn. Triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP. Nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP. Duy trì, phát triển hệ thống phát hiện, điều tra, giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn…

Nguồn: https://congluan.vn/nam-2020-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-6154-co-so-ve-an-toan-thuc-pham-post120572.html