Năm 2019, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua
Cập nhật lúc: 25/10/2019, 13:10
Cập nhật lúc: 25/10/2019, 13:10
Lo ngại hệ lụy khó lường từ những bất đồng ngày càng gia tăng giữa các cường quốc, hai định chế tài chính lớn nhất thế giới đã kêu gọi 189 nước thành viên hạn chế những hành động có thể làm tổn hại thêm nữa nền kinh tế thế giới.Báo Hanoimoi đưa tin, phát biểu trước giới chức tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã chỉ ra những yếu tố tiêu cực như tranh chấp thương mại đang nhấn chìm hai nền kinh tế hàng đầu hành tinh là Mỹ và Trung Quốc, tình trạng kinh tế suy yếu lan rộng khắp châu Âu liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit và những căng thẳng gia tăng tại Trung Đông.
Tình trạng bất ổn trong hợp tác thương mại đang tác động tiêu cực đến lòng tin doanh nghiệp và đầu tư, khiến thế giới rơi vào giai đoạn "mất đà" với gần 90% các nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu hơn trong năm nay. Dù thỏa thuận thương mại một phần mà Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được sẽ giảm bớt các thiệt hại, song tăng trưởng ổn định của kinh tế thế giới sẽ không trở lại chừng nào hai nước còn chưa hóa giải hoàn toàn bất đồng.
Theo số liệu chính thức được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III vừa qua tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 27 năm. Cụ thể, GDP của nền kinh tế thứ hai thế giới từ tháng 7 đến tháng 9-2019 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng trưởng 6,2% trong quý II và là mức thấp nhất kể từ năm 1992. Hiện Trung Quốc đang tăng cường các gói kích thích kinh tế, trong đó có biện pháp ưu đãi thuế, giảm lãi suất, nới lỏng các hạn chế đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đang bơm 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nhằm duy trì thanh khoản.
Về phía Mỹ, ngành nông nghiệp nước này đã rơi vào suy thoái do sụt giảm mạnh về xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng chủ đạo như đậu nành, thịt lợn và ngô. Trong khi chính quyền cố gắng giảm bớt thiệt hại bằng hai vòng hỗ trợ tài chính, nông dân ngày càng mong muốn Nhà Trắng chấm dứt tranh cãi thương mại do khoản trợ cấp không đủ để bù đắp cho doanh số bị mất.
IMF cảnh báo, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc không được tháo gỡ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 700 tỷ USD vào năm 2020, tương đương với quy mô của toàn bộ nền kinh tế Thụy Sĩ. Theo chuyên gia Pháp Anne Laure Delatte, thuộc Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng kinh tế và thông tin quốc tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy, tình hình hiện nay rất giống với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 hay trước khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997.
Đặc biệt, nợ tư nhân đã tăng rất nhanh trong thời gian gần đây, đồng nghĩa với việc các hộ gia đình, doanh nghiệp đã đi vay rất nhiều. Hiện tượng này bắt nguồn từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 khi tất cả ngân hàng trung ương trên thế giới đều nới lỏng chính sách tiền tệ để khuyến khích việc vay tiền nhằm kích thích tiêu dùng và đầu tư. 10 năm qua, biện pháp này đã hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng kèm theo đó cũng làm nảy sinh nhiều "quả bóng" đầu cơ, từ địa ốc đến tài chính. Mối nguy hiểm là trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán, hoạt động kinh tế sẽ bị tê liệt.
Theo thông tin trên báo Vneconomy, chuyên gia kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF cho rằng, nếu không có sự nới lỏng chính sách tiền tệ gần như đồng thời của các ngân hàng trung ương lớn, thì kinh tế toàn cầu có thể chỉ tăng 2,5% trong năm nay, đồng nghĩa mấp mé bờ vực suy thoái. "Sự suy yếu của tăng trưởng kinh tế thể hiện rõ qua tình trạng sụt giảm của hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu. Thuế quan gia tăng và tình trạng bấp bênh kéo dài do chính sách thương mại gây ra đã làm suy yếu hoạt động đầu tư và nhu cầu hàng hóa lâu bền", ông Gopinath nhấn mạnh.
Những dấu hiệu tiêu cực đang xuất hiện gợi nhớ đến các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1987, 1997, 2008. Thế nên, lời cảnh báo của các chuyên gia về nguy cơ lặp lại của chu kỳ bất ổn là có cơ sở. Vì vậy, việc cùng nhau hành động là yếu tố cần thiết nhất để ngăn chặn "lịch sử" lặp lại.
17:00, 20/10/2019
10:30, 18/10/2019
10:45, 30/09/2019