18/01/2025 | 12:08 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế có ảnh hưởng gì trong các vụ M&A cho nhà đầu tư ngoại?

Cập nhật lúc: 30/09/2019, 10:45

Bùng nổ các thương vụ M&A trong ngành hàng tiêu dùng có những mặt lợi và cũng có những tác động xấu đến nền kinh tế.

Xâm lấn thị trường

GS.TS Ngô Trí Long cho rằng, với dân số đông, thu nhập của Việt Nam ngày một cải thiện, tốc độ phát triển nhanh thì đó chính là tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Đó cũng những yếu tố “hút” các nhà đầu tư ngoại.

Đối với các tập đoàn nước ngoài muốn vào thị trường Việt Nam thì M&A là con đường nhanh và hiệu quả nhất để thâm nhập vào thị trường bán lẻ nhưng cuộc đổ bộ của các nhà đầu tư ngoại có mang lại nhiều lợi nhuận cho nền kinh tế nước nhà hay có lợi cho người tiêu dùng hay không vẫn là điều cần bàn.

Tác động của làn sóng M&A chắc chắn có ảnh hưởng đến nền kinh tế

Với sự vận mình của kinh tế hiện nay, nếu như các thương hiệu của người Việt cứ lớn mạnh một chút lại sang tên, đổi chủ thì e là kinh tế sẽ bị chi phối quá nhiều bởi vốn đầu tư ngoại. Nhìn một cách khắt khe hơn thì hàng hóa Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường và cũng mất lợi thế cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Có những trường hợp bị bán đi rất đang tiếc, mất luôn thương hiệu đã tạo dựng. Một số doanh nghiệp bán lẻ khi tham gia có lợi thế tạo chuỗi chi phối thị trường, từ đó có thể gây ra lũng đoạn thị trường”.

Ông Phong đánh giá, những vụ chuyển nhượng sang tên này cũng có những mặt trái, “M&A là quá trình chủ động từ hai phía tùy theo từng trường hợp. Nếu chúng ta chủ động tìm hiểu, tham gia vào các đối tác mạnh thì chúng ta sẽ mạnh hơn, có kinh nghiệm để phát triển hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp M&A xong, doanh nghiệp Việt Nam bị độc quyền kinh doanh, độc quyền tăng giá thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất đi thị phần”.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:  “M&A sẽ tích cực nếu doanh nghiệp chủ động, và xấu đi khi chúng ta mất dần một số thương hiệu, bị lấn sân, qua đó lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam thay vì ở trong nước thì lại chảy ra nước ngoài”.

Hơn nữa, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn yếu, tất nhiên khi có nguồn vốn ngoại mạnh thì mới có thể đủ lực để phát triển được. Những doanh nghiệp nội địa lúc này sẽ phải lo trăm bề, nào là phải cạnh tranh với các tập đoàn đầu tư nước ngoài, vừa phải lo ngay ngáy việc một ngày nào đó mình sẽ bị thâu tóm khi nguồn lực không đủ mạnh.

Tác động của làn sóng M&A chắc chắn có ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bởi vì khi các kênh phân phối bán lẻ của Việt Nam nằm trong tay doanh nghiệp ngoại thì hàng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí là hao hụt vì các nhà đầu tư ngoại đương nhiên sẽ ưu tiên nguồn hàng của nước họ.

Cuộc đổ bộ của các sản phẩm tiêu dùng ngoại sẽ dễ dàng hơn thông qua hoạt động M&A

Một chuyên gia về bán lẻ cho rằng, các siêu thị ngoại cũng sẽ ưu tiên đưa hàng hóa của nước họ vào kinh doanh. Khi cổ đông Thái đã nắm trong tay kênh phân phối rộng khắp của Sabeco tại Việt Nam thì họ sẽ đưa sản phẩm bia Thái vào bán lẻ, chắc chắn thị phần bia nội sẽ càng thu hẹp. Và tất nhiên, lợi nhuận lớn từ thị trường này sẽ lọt vào túi các doanh nghiệp ngoại. Nếu không cẩn trọng, sẽ dẫn đến nguy cơ nhà đầu tư biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của công ty mẹ.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, cuộc đổ bộ của các nhà đầu tư ngoại lại có thể là đòn bẩy để các doanh nghiệp trong nước bừng tỉnh, thay đổi, thích nghi và chuyển động theo bánh răng thương mại của quốc tế. Cũng hy vọng, nhờ sự chuyển đổi này để tạo nên sự cạnh tranh giữa các sản phẩm để mang lợi ích tốt nhất cho người dùng.

Điều quan trọng là, Việt Nam cần có khung pháp lý phù hợp và có lợi cho các doanh nghiệp nội, để có thể tận dụng nguồn vốn đầu tư của nước ngoài lại vừa có thể phát triển được các sản phẩm của dân tộc mình.

Người lao động lao đao

Trên thực tế, khi hai hay nhiều bên sáp nhập lại thì đều cắt giảm nhân công, nhất là các công việc gián tiếp. Bởi vậy, M&A sẽ là dịp để các doanh nghiệp sàng lọc và sa thải những vị trí làm việc kém hiệu quả, từ đó góp phần không nhỏ vào việc tinh gọn bộ máy của họ.

Đơn cử thương hiệu nước giải khát lừng danh một thời Tribeco sau khi chuyển nhượng cổ phần cho Uni-President thì tình hình kinh doanh tụt dốc không phanh. Sau đó, toàn bộ lãnh đạo của công ty đã đồng loạt từ nhiệm, nhường chỗ cho người của Uni-President. Hàng ngàn lao động của Tribeco thời điểm đó cũng lao đao vì mất việc làm.

Sabeco từng là thương hiệu nổi tiếng của người Việt

Rồi thương vụ Sabeco bán cho Tập đoàn đồ uống Thai Beverage (Thái Lan), hàng loạt nhân viên Sabeco (đã có hợp đồng vô thời hạn) được phòng nhân sự gọi lên ký lại phụ lục hợp đồng với lý do thay đổi cơ cấu lương. Trong đó có quy định được cho là gây bất lợi cho người lao động như: Phải thử việc 60 ngày, một trong hai bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian thử việc mà không cần báo trước, không bồi thường... Chưa kể đến việc khi đã nắm quyền thì doanh nghiệp ngoại sẽ đưa người của nước họ vào nắm vị trí chủ chốt là điều tất yếu.

Lúc này, lao động Việt Nam chỉ còn cách phải nỗ lực hết mình nâng cao, cải thiện trình độ tay nghề, bản thân người lao động phải tư duy, phải biết ông chủ đang cần gì để không bị nhà đầu tư ngoại sa thải ngay trên đất nước mình vì chắc chắn không có một doanh nghiệp nào muốn sa thải một người làm được việc.