23/11/2024 | 18:09 GMT+7, Hà Nội

Năm 2018, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng gần 50%

Cập nhật lúc: 31/12/2018, 08:31

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017 ; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%.

Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 là 1.107,1 nghìn người, giảm 4,7% so với năm trước.

Năm 2018, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng gần 50%

Ảnh minh họa

Đáng lưu ý, năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước. Trong đó 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4% .

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với năm trước, trong đó 14.880 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,2% và tăng 34,2%.

Một số nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng cao được TS Trần Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh chỉ rõ. Đó là những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn chưa được giải quyết một cách hiệu quả, dẫn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp.Hạn chế về tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị, tính đổi mới sáng tạo, năng suất lao động là những yếu tố làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Nguyên nhân thứ hai là ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp còn kém. Đồng thời, cũng tồn tại một bộ phận người dân lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật về đầu tư kinh doanh để trục lợi thông qua việc thành lập doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động kinh doanh bất chính (như mua bán hóa đơn VAT); những doanh nghiệp này sau đó ngừng hoạt động mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là do việc triển khai công tác rà soát đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động tại trụ sở từ lâu nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường; sự tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng góp phần làm số doanh nghiệp rời thị trường gia tăng.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp thành lập mới vào năm 2020 và phát huy hiệu quả của các động lực tăng trưởng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ và các địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể. Cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cơ sở cá thể hoạt động ổn định, lâu dài và tuân thủ pháp luật.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy dự kiến quý I/2019 so với quý IV/2018, có 47,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.