22/11/2024 | 06:57 GMT+7, Hà Nội

Mỳ ăn liền \"cháy hàng\", nhiều siêu thị giới hạn số lượng bán ra

Cập nhật lúc: 10/07/2021, 07:00

Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, mỳ ăn liền chính là mặt hàng bán chạy nhất tại thời điểm này. Một số siêu thị tại Đồng Nai còn hạn chế người dân mua mỳ tôm để tránh tình trạng đứt chuỗi cung ứng.

Chiều 9/7, Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết: Trước khi thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã xuất hiện tình trạng người dân đổ xô tới các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh để mua sắm, tích trữ hàng hóa số lượng lớn. Trong đó, mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất tại thời điểm này chính là mỳ ăn liền.

Đơn cử, tại siêu thị BigC và một vài siêu thị khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, do lượng người mua mì ăn liền tăng cao, tránh đứt nguồn cung ứng các siêu thị bán cho mỗi người/lần không quá 2 thùng mì ăn liền, chờ bổ sung nguồn hàng.

Cũng theo Tổng Cục Quản lý thị trường, sau khi giãn cách xã hội có hiệu lực, thị trường hàng hóa TP.HCM có hiện tượng khan hàng cục bộ. Trong khi đó, các tỉnh lân cận không xuất hiện tình trạng khan hàng, song nhiều sản phẩm có xu hướng tăng giá rất mạnh.

Cụ thể, tại các hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, Coopmart, AEON hay Lotte có hiện tượng thiếu hàng hóa, nhất là các sản phẩm rau, củ, quả, thịt đông lạnh. Trong chiều ngày 8/7, nhiều người dân đến siêu thị, cửa hàng tiện ích không có hàng thực phẩm tươi sống nên bỏ về.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, chiều 8/7 xuất hiện tình trạng nhiều người dân đến các điểm kinh doanh mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng hàng ngày như: gạo, mì gói, nước mắm, nước chấm, nước tương, rau, củ, quả, dầu ăn,… làm cho một số cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu thiếu hụt cục bộ nguồn cung cấp và giá cả nhiều mặt hàng có tăng giá so với ngày thường.

Đến trưa ngày 9/7, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ duy trì đầy đủ hàng thực phẩm tươi sống.  Tại chợ truyền thống, rau, củ, quả, trứng thịt cung ứng đầy đủ, giá bình quân tăng 10 đến 20% so với ngày thường.

Các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay sức mua có tăng nhẹ so với bình thường, nguồn cung dồi dào, giá cả không thay đổi.

Các mặt hàng như: gạo, đường, muối, bột ngọt, sữa dành cho trẻ em…: nhu cầu có tăng so với ngày thường nhưng nguồn cung dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm, giá cả không thay đổi.

Tương tự, tại Bình Dương:  Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ, tại các chợ truyền thống, giá cả hàng hóa các mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống có sự tăng giá từ 50% đến 100% từng loại, mặt hàng so với ngày thường. 

Nguyên nhân do một số chợ bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, một số chợ tự phát, các cơ sở bán lẻ đóng cửa tạm thời, nên người dân có tâm lý mua nhiều thực phẩm tích trữ dẫn đến giá cả tăng.

Tại các địa phương khác, tại các khu vực thành phố nhu cầu mua thực phẩm tăng do mỗi lần mua thực phẩm để dự trữ dùng trong vài ngày, nhưng được cung ứng đầy đủ. Giá cả tương đối ổn định, tại thành phố, thị xã giá tăng nhẹ nhu cầu tăng cung ứng hàng hóa khó khăn do dịch bệnh. Ngược lại các loại thực phẩm như rau, củ, quả, thịt lợn hơi giảm mạnh do khó tiêu thụ.

Nguồn: https://congluan.vn/my-an-lien-chay-hang-nhieu-sieu-thi-gioi-han-so-luong-ban-ra-post143632.html