Mực nước biển dâng cao, các đô thị ven biển Đông Nam Á đối diện rủi ro
Cập nhật lúc: 10/08/2021, 06:10
Cập nhật lúc: 10/08/2021, 06:10
Những thành phố có nguy cơ "nằm dưới biển"
"Thỉnh thoảng chúng tôi tỉnh dậy với những tấm ván sàn rung bần bật hoặc một âm thanh khủng khiếp, giống như hàng trăm hộp đồ ăn sẵn bằng kim loại bị nghiền nát cùng lúc. Và có những buổi sáng, chúng tôi lại phải nhận những tin tức như chỗ này, chỗ kia bị sụp, bị lật... Bất cứ thứ gì cũng có thể biến mất".
Trong những chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết của mình, Bangkok thức giấc trong cơn mưa, tác giả nổi tiếng Pitchaya Sudbanthad đã tưởng tượng ra một tương lai gần mà ở đó, Thủ đô của Thái Lan gần như bị nhấn chìm hoàn toàn. Tuy nhiên, điều khiến tác phẩm này trở nên hấp dẫn không chỉ là những mô tả quá mức thực tế về các địa danh mang tính biểu tượng của một đô thị đổ nát thành những nấm mồ ngập nước, mà còn là kịch bản được dự đoán trước về hiện thực đó.
Sự thật đã chứng minh những tưởng tượng đó của nhà văn không chỉ là điều viễn tưởng. Năm 2019, hai báo cáo mang tính bước ngoặt không chỉ nhấn mạnh tình trạng mực nước biển đang tăng nhanh như thế nào mà còn khẳng định các dự đoán trước đó là quá thấp. Thực tế có thể còn tệ hơn.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức tin tức khoa học viễn thông Climate Central có trụ sở tại Mỹ, chỉ trong vòng 3 thập kỷ, nhiều thành phố ven biển lớn trên thế giới có thể bị xóa sổ hoàn toàn. Trong báo cáo về đại dương và tầng đông lạnh, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh sự tan chảy ngày càng nhanh của các tảng băng ở Greenland và Nam Cực, với mực nước biển tăng nhanh gấp đôi so với trong thế kỷ 20.
Đây là tin tức quan trọng đối với Đông Nam Á - nơi tập trung nhiều khu dân cư ven biển hơn bất kỳ nơi nào trên hành tinh. Vị trí địa lý, đô thị hóa nhanh, nghèo đói và suy thoái môi trường khiến các thành phố ven biển dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất. Ở đây, khủng hoảng khí hậu đã là một thực tế.
Ở Bangkok, thành phố đồng bằng được xây dựng trên vùng đầm lầy trũng chỉ cao hơn mực nước biển 1,5m, việc phát triển bất động sản chiếm vị trí tối cao. 50 năm qua đã chứng kiến thủ đô của Thái Lan chuyển mình từ một thành phố Đông Nam Á thấp tầng thành một đô thị toàn cầu với hơn 10 triệu dân. Các khoảng không gian xanh đã được san phẳng, thế chỗ cho những tòa nhà chọc trời mọc lên, mạng lưới kênh rạch chằng chịt thay thế bằng đường cao tốc trải nhựa và rừng ngập mặn ven biển từng hấp thụ lũ gió mùa nay trở thành địa điểm phù hợp với ngành nuôi trồng thủy sản sinh lời. "Tất cả những điều này kết hợp lại đã làm cạn kiệt nghiêm trọng mực nước ngầm - nguyên nhân chính khiến thành phố có thể bị nhấn chìm", GS. Jørgen S. Steenfelt, giám đốc kỹ thuật của Marine and Foundation Engineering tại COWI, một nhóm tư vấn kỹ thuật, kinh tế và khoa học môi trường quốc tế, nhận định.
Steenfelt giải thích: "hãy nghĩ về nó như một tấm đệm chứa đầy nước, nếu bạn chọc lỗ trên đệm, tức là khai thác nước ngầm, nước sẽ thấm ra ngoài, làm rỗng tấm đệm và khiến bề mặt của nó chìm xuống. Sau đó, ta tiếp tục đặt các vật nặng lên trên, chẳng hạn như một tòa nhà, thì sẽ càng làm đẩy nhanh quá trình chìm xuống, đặc biệt nếu tấm đệm được làm bằng vật liệu mềm như đất sét. Việc cộng thêm yếu tố biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng lên chỉ càng khiến tình trạng thêm trầm trọng".
Điều tương tự cũng xảy ra ở Jakarta (Indonesia) và TP.HCM, những thành phố đang nằm trong nhóm đô thị có nguy cơ cao nhất trong khu vực. Theo nghiên cứu của Climate Central, công ty tính toán độ cao đất liền dựa trên kết quả đo vệ tinh, phần lớn diện tích TP.HCM sẽ nằm dưới mực nước vào năm 2050. Báo cáo cho biết trong vòng 30 năm tới, 31 triệu, 23 triệu và 12 triệu người tương ứng ở Việt Nam, Indonesia và Thái Lan, sẽ sống trong các khu vực dưới độ cao của một trận lũ lụt trung bình hàng năm.
Vào tháng 1 năm 2020, Jakarta trải qua trận lụt tồi tệ nhất trong 13 năm. Hơn 60 người chết và ước tính khoảng 60.000 người phải di dời khi gần 15 inch nước mưa đổ xuống thủ đô vào Ngày đầu năm mới.
Một trong những trường đại học hàng đầu của Indonesia, Học viện Công nghệ Bandung (ITB), đã theo dõi sự sụt lún đất ở thủ đô trong hơn hai thập kỷ. Nghiên cứu cho thấy Jakarta đã lún với tốc độ lên tới 25cm mỗi năm kể từ những năm 1970. Heri Andreas, một chuyên gia về sụt lún đất tại ITB, tuyên bố khoảng 95% diện tích phía bắc Jakarta sẽ nằm dưới biển vào năm 2050, biến thành phố này trở thành thành phố chìm nhanh nhất thế giới.
Ian Reynolds, một nhà khảo sát - giám đốc điều hành của Reynolds Partnership, đã sống ở Jakarta hơn 40 năm nhớ lại việc khai thác nước ngầm đã là mối quan tâm khi ông mới đến thành phố này, đặc biệt là vấn đề giếng cạn và nhỏ ở nhiều hộ gia đình. Ông nói: “Do nhiều vấn đề mà thậm chí đến nay tương đối ít hộ gia đình ở trung tâm Jakarta được sử dụng nước máy hoặc các hệ thống vệ sinh thiết yếu. Nhiều người vẫn dựa vào những giếng đào để cung cấp nước ”.
Trong khi đó tại Việt Nam, triều cường dâng đạt kỷ lục 1,77m vào tháng 10/2019 gây ngập lụt trên diện rộng. Điều này là một điềm báo không mấy tươi sáng. Theo Viện nghiên cứu nước của Hà Lan, Deltares, khoảng 60% diện tích của TP.HCM có cao độ từ 1,6m trở xuống.
KTS Thiện Dương, thành viên điều hành của Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh và là giám đốc điều hành của Transform Architecture cho biết: "Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, lũ lụt ngày một nghiêm trọng hơn nhiều. Quá trình đô thị hóa khiến các thành phố ít không gian xanh hơn và tình trạng sụt lún đất đã khiến đường đi ở một số khu vực lún xuống tới nửa mét so với cách đây một thập kỷ".
Giải pháp nào?
Ông Dương cho biết, đã có những nỗ lực trong 5 năm qua để giải quyết các vấn đề, bao gồm nâng cao độ đường đáng kể và lắp đặt hệ thống thoát nước mới trên toàn TP.HCM.
Tuy nhiên, những biện pháp khắc phục như vậy chỉ đơn giản là câu trả lời tạm thời cho câu hỏi cấp bách là làm thế nào TP.HCM và các siêu đô thị đồng bằng trong khu vực sẽ tồn tại được sau những đợt triều cường.
Tại Thái Lan, đã gần một thập kỷ kể từ khi đất nước này bị tàn phá bởi trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại (kéo dài 175 ngày, làm thiệt hại tới 46,5 tỷ USD, khiến 815 người chết). Tuy nhiên đến nay, giới nghiên cứu buộc phải đồng thuận rằng, vẫn chẳng có gì thay đổi tại Bangkok, Thủ đô của xứ sở chùa vàng không được trang bị tốt hơn so với năm 2011. "Nếu có gì thì đó chỉ là những điều tệ hơn", kiến trúc sư cảnh quan Kotchakorn Voraakhom nói.
"Chúng ta đã xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng phía trên thành phố, xây dựng nhiều đập hơn và tiếp tục thiết kế các kênh đào - tất cả đều là những giải pháp rất ngắn hạn. Về lâu dài, chúng ta cần trồng nhiều cây bản địa hơn, tạo thêm không gian xanh và cải thiện hệ sinh thái tổng thể của thành phố, từ đó mới có khả năng tái xâm nhập vào mặt đất”, KTS. Kotchakorn Voraakhom nói.
Mặc dù, theo một tuyên bố hồi 2019 của Cơ quan quản lý đô thị Bangkok, tỷ lệ diện tích không gian xanh trên đầu người của Bangkok đã tăng gần gấp đôi trong những năm gần đây, lên tới 6,97m2, tuy nhiên con số này vẫn còn thấp đáng kể so với tiêu chuẩn của WHO là 9m2/người.
Dù vậy cũng không thể phủ nhận những nỗ lực để làm gia tăng diện tích xanh tại Bangkok, kể cả là phải "xuyên thủng bê tông". Công viên Trung tâm Đại học Chulalongkorn là một ví dụ về cách không gian xanh công cộng có thể vươn lên từ bê tông để cung cấp các giải pháp môi trường triệt để.
Được mô tả là “phần quan trọng đầu tiên của cơ sở hạ tầng xanh” của Bangkok, ốc đảo giải trí rộng hơn 44.515m2 có hệ thống quản lý nước hiện đại được tích hợp trong cảnh quan theo tầng. Các tính năng sáng tạo này giữ lại và chuyển hướng 4.546m3 nước lũ có khả năng sẽ chảy vào các đường phố của thành phố khi thiên tai ập đến.
Công viên được thiết kế nghiêng một bên giúp đưa nước vào một thùng chứa khổng lồ. Trong khi đó, một mái nhà xanh trên cao sẽ hướng nước chảy qua các khu vườn mưa dốc đến các vùng đất ngập nước nhân tạo - hệ thống này đóng vai trò như một hệ thống lọc nước - thoát vào một hồ nước lớn dưới chân công viên. Trong trường hợp lũ lụt nghiêm trọng, ao nuôi sẽ mở rộng ra các bãi cỏ xung quanh, tăng gấp đôi diện tích.
Một sáng kiến khác được đưa ra bàn luận là đưa hệ thống kênh đào của Bangkok vào hoạt động lại như một phần của kế hoạch dài hơi nhằm khôi phục hệ sinh thái của thành phố. Tuy nhiên, quá trình này sẽ liên quan đến việc phá hủy một số cơ sở hạ tầng hiện có, bao gồm các tòa nhà và đường xá và trong một số trường hợp phải di dời các khu dân cư.
KTS. Kotchakorn nói: “Chúng ta đã phá hủy cơ sở hạ tầng làm cạn kiệt nước, vì vậy khôi phục nó là một trong những cách duy nhất để cứu thành phố — và chúng ta cần phải làm ngay khi còn có thể. Chúng ta cũng cần phải hiểu, giống như tổ tiên chúng ta đã làm, lũ lụt là một phần của chu kỳ tự nhiên của một thành phố đồng bằng. Vấn đề không phải là về việc xây dựng lại, mà là về cách thiết kế lại và thích ứng với những gì thiên nhiên ban tặng cho chúng ta".
Trở lại bờ biển Tây Bắc Java, đồng hồ của "ngày bị nhấn chìm" đang điểm trên đầu Jakarta. Tổng thống Tổng thống Joko Widodo từng tuyên bố vào tháng 8 năm 2019 rằng, sau gần 50 năm kể từ khi Jakarta trở thành Thủ đô của Indonesia, các cơ quan chức năng hành chính của Chính phủ Indonesia sẽ chuyển đến một thành phố chưa xây dựng ở Kalimantan, cách đó hơn 1.000 km trên đảo Borneo vào năm 2024.
Và dù quyết định của các quốc gia là gì thì cũng phải hiểu rõ một điều rằng, các quốc gia cần sớm đưa ra các giải pháp triệt để để giải quyết các vấn đề khổng lồ mà các thành phố đang "chìm" có thể phải đối mặt.
"Trừ khi các Chính phủ vào cuộc và đưa ra các quy định, nếu không thì sẽ chẳng còn hy vọng tương lai nào cho các thành phố này", GS. Jørgen S. Steenfelt nhấn mạnh.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/muc-nuoc-bien-dang-cao-cac-do-thi-ven-bien-dong-nam-a-doi-dien-rui-ro-20201231000003309.html
06:12, 12/05/2021
06:00, 21/04/2021
10:25, 25/03/2021